Tìm công thức thành công của các doanh nhân là điều không thể, càng nổi tiếng và giàu có họ lại càng có ít điểm chung, mỗi doanh nhân đều có những tố chất nhất định để thành công. Nhưng không thể phủ nhận những bộ não vĩ đại lại là những người có hành động luôn vượt qua giới hạn của bản thân, suy tính và chấp nhận khác biệt. Trên hết, họ có những điều mà những người bình thường không có: đó là truyền cảm hứng.
Ngã Rẽ Bất Ngờ Và Những Thách Thức Đầy Thú Vị
Đang thành công với công việc của một giám đốc chi nhánh tại một trong những Ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam, lý do nào đã khiến chị quyết định “đầu quân” sang một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới này?
Sau khi tốt nghiệp đại học ngoại thương Hà Nội, tôi đã công tác trong ngành ngân hàng hơn 12 năm. Từ một sinh viên mới ra trường tôi đã được ngân hàng này đào tạo để trở thành một nhân viên tín dụng, sau đó trở thành giám đốc một chi nhánh. Tôi thực sự cảm ơn ngân hàng nơi tôi đã từng làm việc, nơi đã đào tạo và huấn luyện cho tôi để qua mỗi năm tôi lại gặt hái được những thành công khác nhau, năm sau lại tốt hơn năm trước. Bạn biết đấy, trong kinh doanh để giữ được phong độ tăng trưởng tốt trong thời gian dài là rất thách thức. Sau thành công này, tôi càng nhận thức rõ việc đi cùng nhau đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi đằng sau sự thành công của mình là có rất nhiều phòng ban phía sau hỗ trợ cộng với sự kiên trì, bền bỉ và không bao giờ bỏ cuộc.
Tôi quyết định thay đổi công việc vào thời điểm hoạt động kinh doanh của chi nhánh đang rất tốt (quy mô đạt đến ngàn tỷ huy động và cho vay) để bắt tay với Deborah. Lý do thuyết phục lớn nhất đối với tôi khi đó là bởi Deborah và tôi cùng hướng đến mục tiêu xây dựng doanh nghiệp theo mô hình lãnh đạo phục vụ (servant-leadership). Với mô hình quản trị này, tôi tin ban lãnh đạo Deborah sẽ khiến nhân viên của mình được trân trọng, được hạnh phúc và mong muốn cống hiến vào sự phát triển của Deborah. Công ty giống như gia đình thứ hai của mình, giúp nâng cao đời sống về tinh thần và vật chất cho nhân viên mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp đóng góp cho xã hội được nhiều hơn.
Chị có thể giải thích rõ hơn về mô hình lãnh đạo phục vụ được không? Liệu đó có phải là mô hình theo quan điểm của Robert K Greenleaf?
Vâng, đúng như vậy. Robert K. Greenleaf lần đầu tiên sử dụng cụm từ “lãnh đạo phục vụ” trong bài tiểu luận của ông năm 1970. Tư tưởng người phục vụ là lãnh đạo đến Greenleaf sau khi ông đọc cuốn Hành Trình Về Phương Đông của Hermann Hesse (viết năm 1958). Ngày nay người ta thường dùng hình ảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ hay Mẹ Têrêxa cứu giúp người nghèo trên đường phố là biểu tượng của lãnh đạo phục vụ.
Hay mới đây nhất, hôm 11.4.2019, Giáo hoàng Francis đã quỳ gối hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan – những người từng đối đầu nhau để kêu gọi gìn giữ hòa bình. Đó đều là minh chứng cho tinh thần của lãnh đạo phục vụ. Hiện nay nhiều doanh nghiệp thành công cũng có đồng một quan điểm trong phong cách lãnh đạo như Amazon, Google, Starbucks, Alibaba… Đơn cử như Jack Ma – ông chủ của Alibaba đã chỉ ra rằng, cái gốc của lãnh đạo phục vụ là phải biết yêu thương. Theo ông, để có thể trở thành một nhà lãnh đạo tài ba thì chúng ta cần đạt được 3 tố chất bao gồm IQ – chỉ số thông minh, EQ – chỉ số cảm xúc và LQ (Love quotient) – chỉ số yêu thương. Ông cho rằng để đo được sự thành công của một cá nhân hay tập thể, chúng ta không nên lấy tài sản ra để tính toán mà phải sử dụng tới LQ, phải tìm xem mình đã giải quyết được bao nhiêu vấn đề, giúp đỡ được bao nhiêu người trên hành tinh này.
Chị có thể chia sẻ thêm lý do vì sao chị áp dụng mô hình lãnh đạo phục vụ và bằng cách nào chị biết đến mô hình này?
Năm 2013 khi tôi gặp một khách hàng chuyên làm dịch vụ du lịch cho người nước ngoài đến Việt Nam, tôi thật sự bất ngờ với sự chuyên nghiệp của nhân sự tại đây. Tôi đã gặp rất nhiều người khác nhau nhưng họ làm việc rất chuyên nghiệp, nói là làm, luôn đúng hẹn và ai cũng yêu công ty mình. Sau khi hỏi lãnh đạo của doanh nghiệp đó, tôi đã tự tìm được ra cho mình câu trả lời. Họ chia sẻ với tôi về mô hình lãnh đạo phục vụ khi quay ngược mô hình cơ cấu tổ chức. Chủ tịch công ty ở bậc dưới cùng và nhân viên ở bậc trên, cấp trên luôn hỗ trợ cấp dưới, nhân viên được nói lên ý kiến của mình, các phòng ban hỗ trợ lẫn nhau để cùng hướng về mục tiêu chung là phát triển công ty. Như vậy, là một lãnh đạo phục vụ, trước hết bạn phải là người phục vụ – bạn tập trung vào nhu cầu của người khác, đặc biệt là nhân viên của mình, trước khi nghĩ tới nhu cầu cá nhân. Nhân viên của tôi là những người tôi trân trọng nhất, tôi luôn động viên, truyền cảm hứng và hỗ trợ họ trong công việc. Tôi sẵn sàng đào tạo kỹ năng cho họ, đào tạo nghiệp vụ ngân hàng cho họ, dạy cho họ cách phục vụ khách hàng,…và áp dụng vào công việc để mỗi ngày họ làm việc cùng tôi họ lại có thêm kinh nghiệm.
Tại ngân hàng nơi tôi làm việc trước đây, sau khi áp dụng mô hình quản trị này, chỉ sau 3-4 tháng, chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc khi đến nơi làm việc, năng suất công việc vì vậy cũng tăng lên nhanh chóng. Sau năm đầu tiên, chi nhánh của chúng tôi đã có sự tăng trưởng ấn tượng, gần như từ con số 0 lên quy mô hơn 300 tỷ đồng. Đến năm tiếp theo, mức độ tăng trưởng quy mô tổng tài sản tại chi nhánh đã lên hơn 500 tỷ đồng, qua năm sau nữa, quy mô của chi nhánh đạt con số trên 1.000 tỷ đồng. Gặt hái được thành công liên tiếp như vậy, nhưng điều đáng nói ở đây là chúng tôi đã xây dựng bản sắc riêng cho đơn vị mình. Trên toàn hệ thống, cứ nhắc đến chúng tôi, họ đều biết rằng đó là một đơn vị làm việc nhiệt huyết, máu lửa và chất lượng dịch vụ vượt trên cả mong đợi của khách hàng. Chính danh tiếng này đã giúp chúng tôi tìm được những khách hàng mới một cách đơn giản hơn và dễ dàng hơn.
Vâng, thưa chị các mô hình doanh nghiệp đều có thế mạnh riêng nhưng tựu chung lại mô hình lãnh đạo phục vụ mang ý nghĩa như thế nào?
Điểm cốt cõi của mô hình này là tìm nhân sự phù hợp và đặt họ vào đúng vị trí, có thể chúng tôi chưa cần người giỏi nhất nhưng chúng tôi cần người phù hợp nhất cho mỗi vị trí. Chúng tôi đào tạo nhân viên rất kỹ về mô hình để mọi người thấu hiểu công việc của mình. Tất cả các điều trên ngoài mang lại lợi ích, lợi nhuận cho doanh nghiệp thì sau hết sẽ mang lại các giá trị và lợi ích cho mỗi cá nhân, cho doanh nghiệp và cho xã hội.
Sự Khác Biệt Sẽ Mở Đầu Cho Thành Công Của Deborah
Có sự chuẩn bị tâm lý khi chuyển đổi sang công việc mới nhưng khi thực sự bắt tay vào công việc kinh doanh này, có điều gì khiến chị bất ngờ không?
Tôi đã suy nghĩ khá nhiều, điều mà tôi thấy tin tưởng là mình đã có hành trình bán hàng hơn 12 năm, tôi cũng được đào tạo bài bản về quản trị kinh doanh và tài chính doanh nghiệp nên tôi tin nếu mình cố gắng hết sức thì tôi sẽ làm được. Một ngày, bố tôi hỏi tôi là con đã suy nghĩ kỹ khi quyết định nghỉ ngân hàng chưa? Tôi trả lời là con đã suy nghĩ kỹ rồi, con sẽ làm hết sức. Bố tôi liền nói: sao con xoàng thế, không phải làm hết sức mà làm cho bằng được. Tôi cảm thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh đã bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới, đúng như vậy, tôi sẽ làm cho bằng được.
Hiện nay, tôi đang trong một cuộc hành trình khám phá sự mới lạ mà công việc mới mang lại. Tôi không nghĩ sự lựa chọn của mình là đúng hay sai nhưng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của mình khi bắt tay vào công việc này. Tôi muốn truyền cảm hứng, chia sẻ niềm hạnh phúc và đam mê đó đến những người đồng nghiệp, những cộng sự mới của tôi. Bất ngờ thì không, nhưng kinh doanh ngành này thú vị thì chắc chắn là có. Bạn biết đấy, câu chuyện về nhà khoa học thời cổ đại là Archimedes với những phát minh vĩ đại như nguyên lý của đòn bẩy, tìm gần chính xác số Pi… hay câu chuyện Eureka của ông khi ông khám phá ra nguyên lý sức nổi trong nước khi đang tắm. Điều đó rất bất ngờ đúng không?
Thực tế phòng tắm, nhà vệ sinh là những nơi mà con người có được sự tĩnh tại vừa để thư giãn, tái tạo sức khỏe, vừa đủ để suy ngẫm về mọi điều, rất nhiều ý tưởng hay nảy sinh trong khi tắm đấy (cười). Tôi hy vọng, tại Việt Nam những phát hiện, phát minh hay ý tưởng sẽ được đến từ những phòng tắm sử dụng thiết bị của Clara.
Chị có tin mình có thể đưa thương hiệu Clara thành một trong những thương hiệu top đầu của Việt Nam trong thời gian tới hay không?
Quả thực đây là một câu hỏi thú vị, thách thức là không nhỏ nhưng tôi tin rằng trải qua thách thức càng lớn thì khi đạt được kết quả càng ngọt ngào. Tôi nghĩ nếu chỉ có một mình tôi thì tôi khó có thể làm được, nhưng khi đồng hành cùng với các đồng nghiệp tại Deborah thì tôi nghĩ thành công của chúng tôi sẽ đến trong một ngày không xa. Để cùng nhau làm được điều này tôi tin chúng tôi cần tạo dựng sự khác biệt và chúng tôi coi thái độ làm việc của mỗi thành viên của Deborah là nhân tố tạo nên sự khác biệt. Tôi coi thách thức là một người bạn đồng hành cùng tôi trong quá trình kinh doanh trong suốt những năm tháng qua. Thực sự tôi phải cảm ơn thách thức chính khó khăn thách thức là điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo và giúp tôi trưởng thành hơn và gặt hái được những kết quả tốt hơn.
Cám ơn chị đã dành thời gian chia sẻ về mô hình quản trị tại Deborah. Tôi tin rằng với những gì chị đã làm được trước đó, cùng với sự đồng hành của những người cộng sự mới, thành công sẽ sớm đến với Deborah.
*Doanh nhân Lê Hà hiện là tín hữu của Hội thánh Tin lành Lời Sự Sống tại Hà Nội, là diễn giả và là người tư vấn trong Câu lạc bộ Doanh Nhân A&B, là giáo viên giảng dạy trong Trường Kinh Doanh Hiệu Quả.
Bài: Linh Trần
Thiết kế: Hương Xuân
Bài viết được đăng lại dưới sự cho phép của doanh nhân Lê Hà
Theo Trí Thức Trẻ