Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Franklin Graham: Nhà Mới Của Ba Tôi

Franklin Graham: Nhà Mới Của Ba Tôi

Franklin Graham: “Người mà cả thế giới biết đến với cái tên Billy Graham luôn luôn là ‘Ba’ tôi.”

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Ba chẳng bao giờ từ bỏ tôi ngay cả khi tôi khiến ông đau lòng. Ông đã sống như Tin lành ông giảng – sứ điệp mà ông đã lặp lại cho tới hơi thở cuối cùng.

Ba đã về thiên đàng với mẹ. Ông an nghỉ trên dãy núi Bắc Carolina tươi đẹp và tỉnh dậy trong vòng tay của Chúa Giê-su. Nhiều người trên thế giới đang khóc thương cho cái chết thuộc thể của ba, còn ba đang ăn mừng với sự sống đời đời mà ông đã dành hơn 70 năm để nói cho hàng triệu người về nó.

Mùa hè năm 2005, ông giảng chuỗi sứ điệp cuối cùng cho hơn 250 ngàn người tại thành phố New York trong hơn ba ngày. Đó là chiến dịch truyền giáo trực tiếp cuối cùng của ông. Cùng năm đó, cơ quan thăm dò dư luận tại Mỹ Gallup tiết lộ rằng cứ sáu người Hoa Kỳ trưởng thành thì có một người – tức 35 triệu dân Mỹ – đã nghe Billy Graham giảng trực tiếp.

Kể từ năm 1947, khoảng 215 triệu người trong hơn 400 chiến dịch truyền giáo, phát thanh và truyền hình trực tiếp cùng các cuộc truyền giảng đã nghe ba tôi nói rằng: “Kinh thánh chép: ‘Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho ai tin con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời’” (Giăng 3:16). Ngày nay, ông đang nếm trải điều ông đã dành cả đời để nói với những người khác rằng họ có thể nếm trải điều đó nếu họ đặt niềm tin của mình nơi Chúa Giê-su Christ.

Chiến dịch truyền giáo cuối cùng

Trong chiến dịch truyền giáo cuối cùng tại New York đó, ba đã nói với một tạp chí quốc gia về cái chết. “Tôi có sợ chết không? Không. Tôi tha thiết mong mỏi sự chết. Tôi mong được thấy Chúa mặt đối mặt. Và điều đó có thể xảy đến bất cứ ngày nào (Newsweek, 4/7/2005).

Billy Graham cùng con trai Franklin Graham trong chuyến truyền giáo tại New York

Rồi ngày đó đã đến. Dù rất nhớ ba (cùng mẹ tôi) nhưng tôi cũng được yên ủi vì biết rằng tôi sẽ gặp lại ông.

Người mà cả thế giới biết đến với cái tên Billy Graham luôn luôn là ‘Ba’ tôi. Tôi vẫn còn thơ dại trước khi hiểu rằng ba tôi có một tên ở nhà và một chức vụ trên toàn thế giới. Ba ở nhà vài ngày, rồi lại đi vài tuần, đôi khi là vài tháng. Nếu không có thái độ vui vẻ và sức lực thuộc linh của mẹ tôi thì việc ông vắng nhà có thể có tác động rất tệ trên tôi. Mẹ kể rằng Ba đi công tác, giảng trong các buổi truyền giảng lớn và gặp gỡ đủ mọi kiểu người; khi đó, mắt ông sáng rực như ngọn lửa.

Ba về dịp nào là đặc biệt dịp ấy. Cả nhà háo hức đợi ở sân ga và sân bay, nhìn đôi chân dài ngoằng bước xuống đường tàu hoặc mặt đường rải nhựa của sân bay. Khi khác thì cứ nghe tiếng ô tô lên núi là chúng tôi lại chạy ra. Ba chị cùng em trai tôi sẽ ra chặn đường ông, còn ông thì cố gắng ôm trọn chúng tôi vào vòng tay yêu thương, cho chúng tôi biết rằng ông đã nhớ chúng tôi đến nhường nào. Sau đó, ông sẽ chuyển ánh mắt trìu mến đến người phụ nữ mà ông yêu – người đã chung sống với ông trong 64 năm. Đó là những ngày hạnh phúc.

Thời gian với Ba

Suốt hai mươi năm qua, gần như Chúa Nhật nào tôi cũng lái xe một tiếng rưỡi để ăn trưa và dành thời gian buổi chiều cùng ba. Tôi sẽ mãi mãi khắc ghi những khoảng thời gian đặc biệt đó. Nhưng đã có thời điểm mối quan hệ cha con không được tốt, thời điểm mà tôi đã khiến ba mẹ đau lòng rất nhiều. Ở tuổi thiếu niên và những năm 20 tuổi, tôi chẳng đáp ứng được tiêu chí nào mà người ta mong đợi ở con trai Blly Graham cả. Tôi biết ơn vô cùng vì ba chẳng bao giờ từ bỏ hay ngừng yêu thương tôi.

Năm 1974, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi lao đến Lausanne, Thụy Sĩ để làm việc tại một hội nghị mà Hiệp hội Truyền giáo Billy Graham tài trợ cho hơn 2500 lãnh đạo Tin lành trên toàn thế giới. Đời tôi là một mớ hỗn độn, trống rỗng và đơn độc. Sau hội nghị đó, ba và mẹ muốn đưa tôi đi ăn trưa để chúc mừng sinh nhật lần thứ 22 của tôi. Sau khi dùng bữa tại một nhà hàng Ý nhỏ trên Hồ Geneva, Ba và tôi đi bộ dọc theo bờ hồ. Bỗng ông quay lại và nói với tôi: “Franklin à, ba mẹ cảm thấy rằng con đang phải tranh chiến.” Sửng sốt, tôi tự hỏi: “Làm sao ba biết điều này?” Ông nói tiếp: “Con sẽ phải chọn lựa, hoặc tiếp nhận Chúa Giê-su hoặc chối bỏ Ngài. Con không thể tiếp tục ở giữa thế được.”

Khi tâm trí còn đang mông lung tự hỏi rằng ba sẽ nói gì nữa, tôi nghe thấy những lời này: “Ba muốn con biết rằng ba mẹ tự hào về con, Franklin ạ. Ba mẹ yêu con dù con có làm gì và đi đâu trong cuộc đời này. Nhưng con phải lựa chọn.” Ông đã thúc vào lương tâm của tôi đến mức tôi tức giận. Tôi không thể hiểu nổi tại sao ông biết được những tranh chiến trong lòng tôi – nhưng ông biết, và ông đã đúng.

Những lời ba nói đã đeo đẳng tôi đến vài tuần cho tôi khi tôi ngừng chạy trốn Chúa và quyết định tiếp nhận Chúa Giê-su làm Chúa Cứu Thế của tôi và dâng cuộc đời mình cho Ngài. Tôi chẳng hề nhìn lại phía sau hay tiếc nuối vì quyết định đó.

Khoảng 20 năm sau cuộc đi bộ đổi đời bên hồ Geneva, cha tôi nói cho tôi một điều khác – một điều thay đổi cuộc sống tôi theo cách khác: ba bảo tôi tiếp tục trách nhiệm hằng ngày quản lý tổ chức mang tên ông. Chí ít thì tôi cũng đủ thông minh để biết rằng mình chẳng bao giờ bằng được Billy Graham, nhưng tôi biết ơn vì ba đã cho tôi cơ hội để giúp ba hoàn tất tốt cuộc đua của ba trên đất này và tiếp bước ông.

Tự hào vì Ba

Tôi chẳng biết có khi nào tôi tự hào về ba hơn là một ngày Chúa Nhật tháng năm năm 2007 đó, khi 1500 người, trong đó có ba cựu tổng tống Hoa Kỳ đến để khánh thành Thư viện Billy Graham tại quê nhà ở Charlotte, N.C. (Ba nói đùa với đám đông rằng ông cảm giác như ông đang dự lễ tang của chính mình vậy!) Nhìn ông đứng trên chiếc cửa cao 12 mét hình thập giá của Thư viện, tôi nghĩ về một điều ông từng nói với David Frost – một nhân vật truyền hình Anh Quốc trong một cuộc phỏng vấn. Ông nói: “Tôi được lên thiên đàng không phải vì công đức của mình hay vì tôi đã giảng cho nhiều người hoặc vì tôi đọc Kinh thánh. Tôi được lên thiên đàng vì những gì Đấng Christ đã làm cho tôi trên thập tự giá.”

Sứ điệp của Billy Graham về thập tự giá chẳng bao giờ thay đổi kể từ khi ông giảng tại chiến dịch truyền giáo đầu tiên cho 6000 người tại Civic Auditorium tại Grand Rapids, Mich., vào năm 1947.

Cha tôi viết nhiều sách và cũng có nhiều sách viết về ông. Trong hơn 6 thập kỷ qua, các nhà văn, nhà báo, học giả đã chăm xem cuộc đời ông và bình luận công khai về nó. Nhưng mục đích của cuộc đời Billy Graham được chép trong một đoạn văn duy nhất ở cuối một cuốn sách nhỏ từ nhiều năm về trước.

Lời Cuối

Sau chiến dịch cuối cùng tại New York vào năm 2005, một nhà xuất bản nổi tiếng đã phát hành một cuốn sách chép lại ba bài giảng của ông tại Công viên Flushing Medows Corona. Họ mời ông viết một vài suy nghĩ cuối sách để lấp đầy hai trang giấy sau tên đề Lời Cuối từ Billy Graham:

Ông viết: “Dù bạn có gặp vấn đề gì, nếu bạn và tôi có thể ngồi xuống và trò chuyện cùng nhau thì tôi muốn nói cho bạn lẽ thật rằng Chúa yêu bạn và nếu bạn cho phép, Ngài có thể tạo ra sự khác biệt trong đời sống bạn.

“Chúa yêu bạn quá nhiều đến nỗi đã ban Con Ngài xuống thế gian để chết cho tội lỗi của bạn. Khi chúng ta mở lòng mình với Đấng Christ thì Ngài tha thứ cho tội lỗi chúng ta và đến sống trong chúng ta qua Đức Thánh Linh. Ngài cũng ban cho chúng ta sức mạnh cho hiện tại và hy vọng cho tương lai. Đây là sứ điệp Phúc âm – và đây là sứ điệp mà bạn đã đọc trong sách này.”

Nếu ngày nay cha tôi có thể nói hoặc viết cho chúng ta, ông vẫn sẽ nói những điều đó. Đó là những gì ông đã sống và đã thở cho tới tận hơi thở cuối cùng.

Franklin Graham, con trai của Billy Graham là chủ tịch Hiệp hội Truyền giáo Billy Graham và tổ chức cứu trợ Samaritan’s Purse.

Cập nhật ngày  21/02/1018

Ba Hối Tiếc Lớn Nhất Của Cuộc Đời Billy Graham>>>

Nguồn: billygraham.org

-Người dịch: Nguyễn Hằng-




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.