Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Khóa Học Nền Tảng Cho Người Mới – Bài 3: Chúa Cứu Thế Giê-su Và Sự Cứu Rỗi

Khóa Học Nền Tảng Cho Người Mới – Bài 3: Chúa Cứu Thế Giê-su Và Sự Cứu Rỗi

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Câu gốc: Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời, ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình. (Êphêsô 2:8-9)

1. Đức Chúa Trời đã làm gì trước tình cảnh con người bất lực và tuyệt vọng trong tội lỗi?

Vì tội lỗi mà con người phải bị trừng phạt là sự chết về tâm linh, thân thể và đời đời. Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương loài người, không muốn con người phải đau khổ, bị trừng phạt, Ngài muốn đưa con người quay về cùng Ngài. Nhưng Ngài không thể bất chấp luật công bình của Ngài, vì vậy hơn 2000 năm trước Ngài đã sai Con Một của Ngài là Chúa Giê-su giáng trần làm người để chịu chết thế, chịu hình phạt thay cho nhân loại.

2. Danh hiệu Giê-su Christ có nghĩa gì?

Giê-su có nghĩa là Đấng Cứu Chuộc, Christ có nghĩa là Đấng chịu xức dầu để làm Vua. Danh hiệu Giê-su Christ có nghĩa là: Chúa cứu thế – Vua trên muôn vua (Mathiơ 1:21)

3. Chúa Giê-su là nhân vật có thật trong lịch sử hay chỉ là huyền thoại?

Chúa Giê-su chẳng những là nhân vật có thật trong lịch sử mà còn là trung tâm của lịch sử. Sự giáng sinh của Chúa Giê-su đã chia đôi dòng lịch sử ra trước Đấng Christ và sau Đấng Christ (VN: gọi là trước công nguyên và sau công nguyên)

Kinh Thánh là sử liệu của Cơ Đốc Giáo viết về Chúa Giê-su được hàng tỉ người trên thế giới chấp nhận, biết bao nhiêu con người muốn phủ nhận nhưng không thể bác bỏ được sự thật, bác bỏ được lịch sử.

4. Chúa Giê-su đã trở thành người bằng cách nào?

Để cảm thông với mọi cảnh trạng của con người, Chúa Giê-su đã trở nên giống như con người (Hêbơrơ 2:17). Tuy nhiên Ngài được thai dựng bởi quyền năng của Đức Thánh Linh và được sanh bởi trinh nữ Mari (Mathiơ 1:23; Luca 1:34-35).

5. Bản tính của Đức Chúa Giê-sunhư thế nào?

Bản tính của Chúa Giê-su là siêu việt: Ngài vừa là Đức Chúa Trời thật, vừa là con người thật

+ Với thần tánh: Ngài mang bản tính của Đức Chúa Trời, Ngài có đủ tư cách để chết thế cho cả nhân loại.

+ Với nhân tánh: Ngài có thân thể và bản tính con người, nên Ngài có thể cảm thương và chết thay cho con người. Bởi đó Ngài là Đấng Trung bảo duy nhất giữa Đức Chúa Trời và con người (I Timôthê 2:5)

6. Chúa Giê-su đã làm gì khi Ngài ở trên đất?

Đức Chúa Giê-su đi từ nhà này sang nhà nhà khác, từ thành này sang thành khác để giảng dạy về nước Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Ngài cho mọi người. Ngài chữa lành mọi người đau ốm, giải cứu những người bị tà ma ám ảnh. Kêu người chết sống lại và làm nhiều phép lạ để cứu người và Ngài đã tình nguyện chết trên thập tự giá thay thế cho loài người. (Mathiơ 9:35; Công vụ 10:38). Mục đích chính của chức vụ Ngài trên đất đó là:

+ Bày tỏ Đức Chúa Trời là Cha nhân từ, yêu thương của loài người.

+ Bày tỏ con người thực sự phải như thế nào

+ Chết thế cho loài người trên thập tự giá

7. Tại sao Chúa phải chịu chết trên thập tự giá?

Vì Đức Chúa Trời muốn cứu con người khỏi tội lỗi và giải thoát con người khỏi mọi hình phạt do tội lỗi gây nên. Nhưng Ngài không thể tha thứ bất chấp luật công bình của Ngài. Cho nên Chúa Cứu Thế thành người, chịu gánh tội và hình phạt do tội lỗi trên thập tự giá cho loài người là giải pháp hay nhất để thỏa mãn luật công bình và lòng yêu thương của Đức Chúa Trời (Rôma 5:6-8). Khi chịu đóng đinh và chịu chết trên thập tự giá, Đức Chúa Trời đã đặt tất cả tội lỗi và hình phạt tội lỗi của loài người lên Chúa Giê-su, vì vậy bất cứ con người nào tiếp nhận Chúa Giê-su và công việc của Ngài trên thập tự giá, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, được tha tội, được cứu thoát khỏi quyền lực của tội lỗi và ma quỉ, được sống cùng Ngài đời đời.

8. Chúa đã sống lại, điều đó có ý nghĩa gì với chúng ta?

Sự phục sinh của Chúa Giê-su mang ý nghĩa rất quan trọng, vì:

+ Nhiều người được tôn xưng hoặc tự xưng là “Đấng cứu nhân độ thế”, nhưng rốt lại chính những người ấy không tự cứu mình thoát khỏi quyền lực của sự chết. Chỉ duy Chúa Giê-su đắc thắng sự chết, điều đó chứng tỏ rằng Ngài thật đến từ Đức Chúa Trời và là Con Đức Chúa Trời. (Rôma 1:4)

+ Bởi sự phục sinh của Chúa Giê-su, những ai đã đặt lòng tin nơi Ngài, được ở trong Ngài, được đảm bảo là sẽ giống như Ngài. (1 Giăng 3:2; Philíp 3:20-21)

9. Bởi lý do nào chúng ta tin rằng Chúa đã phục sinh?

+ Kinh Thánh chứng minh qua những chi tiết hoàn toàn hợp lý (Mathiơ 28; Giăng 20:21; Công vụ 1:6-11; I Côrinhtô 15:3).

+ Ngôi mộ trống vẫn còn ngày nay minh chứng.

+ Lòng tin, sự thay đổi, sự sẵn sàng hy sinh vì lời chứng Chúa sống lại của các sứ đồ minh chứng.

+ Quyền năng thay đổi đời sống và ơn phước của Ngài trên đời sống những người tin Ngài là minh chứng. (II Côrinhtô 5:17)

10. Do đâu chúng ta biết là Chúa sẽ tái lâm?

Do những lời tiên tri trong Kinh Thánh chúng ta biết rằng Chúa sẽ tái lâm. Điển hình như:

+ Việc dân Do Thái lập quốc: Năm 70 sau công nguyên, dân Do Thái bị tan lạc đúng như điều Chúa Giê-su đã nói về họ (Luca 21:23-24; Phục truyền 28:62-68). Nhưng trước ngày Chúa trở lại họ sẽ về lập quốc (Mathiơ 24:23-24; Êxêchiên 37:1-13; Êsai 11:12). Điều này đã được ứng nghiệm sau 1878 năm lưu lạc khắp thế giới dân Do Thái đã trở về lập quốc năm 1948.

+ Trong lĩnh vực tín ngưỡng: Kinh Thánh báo trước sẽ có nhiều tiên tri giả nổi lên, làm nhiều phép lạ. Gieo nhiều tín ngưỡng lệch lạc (Mathiơ 24:5, 23; Khải huyền 13:13-14). Tin lành được giảng ra khắp nơi (Mathiơ 24:14)

+ Về kinh tế: Sự bùng nổ việc đi lại trên thế giới, sự gia tăng trí thức phát minh tân kỳ, phương tiện truyền thanh hiện đại (Đaniên 12:4)

+ Về thiên nhiên: Những hiện tượng động đất, đói kém, thiên tai, bão lụt, chiến tranh khủng bố vv… (Mathiơ 24:6, 7, 37)

11. Sự cứu rỗi là gì?

Sự cứu rỗi là việc đã được thực hiện bởi Chúa Giê-su Christ để giải thoát con người khỏi tội lỗi và đem trở về cùng Đức Chúa Trời (I Phierơ 1:18-21; Êphêsô 2:8-9) qua đó con người được phục hồi tâm linh tâm hồn và thân thể (II Côrinhtô 5:17)

12. Muốn nhận được cứu, chúng ta phải làm gì ?

Muốn được cứu rỗi, con người phải:

a) Ăn năn đối với Đức Chúa Trời là hành động quay khỏi đời sống tội lỗi, quay trở về với Đức Chúa Trời. Ăn năn bao gồm những bước sau:

+ Nhận biết thực tại đau khổ của đời sống mình và biết nguyên nhân là do chúng ta bỏ Đức Chúa Trời là Cha, là nguồn sống và phước hạnh (c17)

+ Quyết định trong tư tưởng là bỏ đời sống tội lỗi, quay về với Đức Chúa Trời. Và Quyết định này được bày tỏ ra bằng hành động (c 18, 20)

+ Sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện (c 19 – sẵn sàng làm đầy tớ. Sẵn sàng xưng nhận trước đám đông, sẵn sàng chịu trách nhiệm hậu quả vì đời sống tội lỗi quá khứ gây nên – như Xa-chê trả lại cho những người ông làm thiệt hại…)

+ Xưng tội (c21)

Ăn năn đối với Đức Chúa Trời.

b) Tin nhận Chúa Giê-su (Công vụ 20:20-21; 1 Têsalônica 1:9-10). Niềm tin trong lòng phải được bộc lộ bằng sự tuyên xưng ra bên ngoài. Điều đó mới mang sự cứu rỗi thực sự đến cho bạn. (Mathiơ 10:32-33; Luca 12:8-9; Rôma 10:9)

13. Biết chắc mình được cứu rỗi, chúng ta có quyền sống phóng túng không?

Khi đã được cứu, chúng ta không nên khinh lờn tội lỗi, nhưng chúng ta càng phải tỏ ra xứng đáng với ơn cứu rỗi của Chúa và càng phải sống thánh khiết hơn. Lấy lòng kính sợ và run rẩy làm hoàn thành sự cứu rỗi mình. (Rôma 12:16-17, 6:4-8)

Khóa Học Nền Tảng Cho Người Mới – Bài 2: Con Người Và Tội Lỗi>>>

Tải Tài Liệu Những Nền Tảng Căn Bản Cho Người Mới Tại Đây:

Download




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.