Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Lễ Phục Sinh Có Gì Quan Trọng Đến Vậy?

Lễ Phục Sinh Có Gì Quan Trọng Đến Vậy?

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự SốngChung quy lại, phục sinh chỉ đặt ra hai vấn đề chính. Một là, liệu Giê-su có phải là Đấng mà Ngài công bố? Giê-su có phải là Chúa không? Hay chỉ là một kẻ điên rồ, dối trá? Hai là, nếu Ngài thực sự là Đấng mà Ngài phán, thì khi nào bạn mới bắt đầu theo đuổi những gì Ngài phán với cuộc đời của bạn?

2000 năm về trước, tại vùng Trung Đông, một sự kiện xảy ra đã làm thay đổi cả thế giới. Bởi cớ điều này xảy ra, lịch sử bị chia tách. Mỗi khi bạn viết ra một ngày nào đó, tức là bạn đang lấy sự sống lại của Chúa Giê-su Christ làm mốc khởi đầu.

Vậy Lễ Phục Sinh có gì quan trọng đến vậy? Lễ Phục Sinh quan trọng bởi nó chứng minh Chúa Giê-su thực sự là Đấng mà Ngài đã công bố. Ngài là Đức Chúa Trời đến trong xác thịt, và đến thế gian để cứu chuộc mạng sống chúng ta.

Ba sự kiện liên tiếp bất ngờ xảy ra vào những ngày cuối tuần của Lễ Phục Sinh: việc xét xử Chúa Giê-su, tiếp đến là sự chết và cuối cùng là sự sống lại của Ngài. Hãy xem xét từng sự kiện nói trên và ý nghĩa của chúng.

Phiên xét xử

Chúa Giê-su đã trải qua 6 lần xét xử. Vào một đêm nọ, Ngài bị giải tới trước An-ne, Cai-phe (thầy tế lễ thượng phẩm), trước Hội đồng Công luận (Tòa án tôn giáo tối cao), trước Phi-lát ( tổng đốc của Giê-ru-sa-lem) rồi tới trước Hê-rốt (tổng đốc của Ga-li-lê) và sau đó lại bị giải tới trước Phi-lát. Cuối 6 phiên xét xử ấy, rốt cuộc họ tìm được tội gì để buộc tội Chúa Giê-su? Chẳng có gì cả. Ngài không phạm phải tội gì. Họ đưa nhiều người đến làm chứng dối về Ngài, nhưng chúng không được công nhận. Cuối cùng họ buộc tội Chúa Giê-su với tội danh: tự cho mình là con của Đức Chúa Trời. Và đây là lý do duy nhất mà Chúa Giê-su phải chịu hình trên thập tự. Họ không thích những lời tuyên bố đó.

Ai từng nghe về Chúa Giê-su đều đưa ra quyết định nào đó về danh tính của Ngài. Hoặc bạn cho Ngài là một kẻ nói dối, hoặc bạn cho Ngài là một kẻ điên cuồng, hoặc bạn tin Ngài là Chúa, chứ không thể nói rằng: “Tôi tin ông ấy là một thầy giảng đạo giỏi”. Ngài không chỉ là một người thầy giỏi, bởi một người thầy giỏi sẽ không nói “Ta là Chúa, và Ta là cách duy nhất để mọi người đến được Thiên Đàng”. Một người tài giỏi sẽ không nói những điều đó, trừ khi nó là sự thật.

Chúa Giê-su công bố rằng Ngài là Đấng Cứu Chuộc của thế gian này. Giăng 12:47b chép rằng: “Vì Ta đến không phải để phán xét thế gian, nhưng để cứu chuộc thế gian” (RVV11). Ngài cho phép chính mình chịu thử thách để chẳng ai có thể nghi ngờ thân thế của Ngài. Ngài biết mình sẽ bị buộc tội và phải chịu hình trên cây thập tự giá, nhưng Ngài cho phép điều đó xảy ra. Tất cả đều nằm trong chương trình, kế hoạch của Ngài.

Sự Chết

Qua một đêm bị đánh đập và nhạo báng, sau khi bị đội lên đầu chiếc mão gai, Chúa Giê-su bị đóng đinh. Có lẽ đóng đinh là án tử hình giày vò và tàn bạo nhất mà con người bày ra. Bàn tay của Ngài bị kéo ra và bị đóng đinh qua hai khúc xương ở mỗi cổ tay. Khi những cây đinh xuyên qua từng thớ thịt, chúng tiếp tục đâm thẳng tới dây thần kinh xuyên suốt cánh tay và gây ra những cơn đau dữ dội.

Nếu bạn bị treo theo cách này trong một khoảng thời gian, các cơ xung quanh ngực bạn sẽ bắt đầu tê cứng. Bạn vẫn có thể hít vào nhưng không thể thở ra. Chết trên một cây thập tự nói đơn giản là chết ngạt, nhưng người Rô-ma không muốn điều này trở nên quá dễ dàng. Họ lấy chân của phạm nhân, để chúng chĩa xuống một chút sau đó đóng một cây đinh xuyên qua hai lòng bàn chân lên cây thánh giá. Khi đó, người bị treo trên thập giá chắc chắn phải chịu đau đớn đến cùng cực cho tới khi cơn đau trong lồng ngực anh ta như muốn nổ tung, anh ta cố nhướn mình trên đôi chân bị đóng đinh chỉ để thở một chút. Khi cơn đau ở bàn chân trở nên quá sức chịu đựng, anh ta bắt đầu rũ người xuống cho đến khi cơn đau ở phổi quá sức chịu đựng. Đây thật sự là một án phạt tàn khốc. Thậm chí những người lính Rô-ma còn đánh gãy chân của những tên tội phạm để họ chết ngạt nhanh hơn.

Trong trường hợp của Chúa Giê-su, họ thấy Ngài đã chết rồi, nên không đánh gãy ống chân Ngài. Nhưng để chắc chắn hơn, họ đâm giáo vào mạn sườn của Ngài. Nước và máu trào ra khỏi lồng ngực, nơi bác sĩ y khoa nói rằng điều này chỉ xảy ra khi tim bị vỡ. Bạn có thể gọi điều này theo cách bạn muốn nhưng Chúa Giê-su đã chết vì tim Ngài tan vỡ.

Tại sao Chúa Giê-su lại chết? Bởi vì chỉ Ngài mới có thể trả giá cho tội lỗi của chúng ta. Chúng ta xứng đáng bị trừng phạt nhưng Chúa Giê-su đã trả giá cho hình phạt đó.

Sự Sống Lại

Sau khi Chúa Giê-su chết, quân lính Rô-ma đưa xác Ngài xuống, đặt trong một ngôi mộ và lấy tảng đá lớn chắn trước nơi chôn cất Ngài. Các lãnh đạo tôn giáo lo xác Chúa Giê-su bị lấy cắp nên yêu cầu bố trí lính gác trước cửa hang. Họ không muốn Ngài ra khỏi đó! Nhưng tất nhiên rồi, Ngài đã làm vậy.

Chắc hẳn bạn biết câu chuyện này. Nhưng điều quan trọng về ngày Phục Sinh không chỉ là nhớ đến một người thầy giảng đạo tốt bụng, tài giỏi sống cách đây 2000 năm trước mà đó còn là sự hân hoan về sự thật rằng ngày nay Ngài vẫn sống! Tôi là bằng chứng sống – và hàng tỉ Cơ Đốc nhân sẽ kỉ niệm Lễ Phục Sinh vào cuối tuần này cũng vậy.

“Bởi sự sống lại của Ngài từ cõi chết, được tuyên xưng là Con Đức Chúa Trời quyền năng, là Đức Chúa Giê-su Christ Chúa chúng ta.” (Rô-ma 1:4)

Phục Sinh là Tin Lành về Con Đức Chúa Trời, Giê-su Christ – Chúa chúng ta, Người đã đến trong hình hài trẻ thơ, sinh ra trong dòng dõi vua Đa-vít. Có bốn ghi chép lịch sử nói rằng Chúa hiện ra cho hơn 500 người trong một buổi nhóm. Bạn có thể hình dung ra mình chứng kiến sự chết của Ngài, rồi ba ngày sau, bạn lại thấy Ngài đi lại quanh thành Giê-ru-sa-lem không? Thật là tuyệt vời! Khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá, những kẻ ngờ vực và chỉ trích đều chế giễu Ngài, nói ‘Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi thập tự giá đi! Sao ngươi không bước xuống mà chứng tỏ rằng ngươi thực sự là Chúa đi?’. Chúa Giê-su định ra một chương trình ngoạn mục hơn. Ngài chỉ nói, Ta để các ngươi chôn ta trong ba ngày, rồi Ta sẽ trở lại để chứng minh Ta thực sự là ai.

Vậy điều đó có ý nghĩa gì với chúng ta ngày nay? Ý nghĩa đầu tiên, Chúa Giê-su vẫn đang bị xét xử, bị xét xử trong tấm lòng, tâm trí của những người chưa được biết Ngài là Con Đức Chúa Trời, là Đấng Cứu Chuộc thế gian này.

Và bản án của bạn là gì? Bạn thấy đó, chung quy lại, phục sinh chỉ đặt ra hai vấn đề chính. Một là, liệu Giê-su có phải là Đấng mà Ngài công bố? Giê-su có phải là Chúa không? Hay chỉ là một kẻ điên rồ, dối trá? Hai là, nếu Ngài thực sự là Đấng mà Ngài phán, thì khi nào bạn mới bắt đầu theo đuổi những gì Ngài phán với cuộc đời của bạn?

Lễ Phục Sinh Của Người Cơ Đốc >>>

– Tác giả bài viết: Rick Warren –

-Nguồn: pastors.com

-J dịch-




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.