Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Năm Cách Để Phá Vỡ Chu Trình Làm Tổn Thương Con Cái

Năm Cách Để Phá Vỡ Chu Trình Làm Tổn Thương Con Cái

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống“Tất cả các gia đình hạnh phúc đều giống nhau, còn mỗi gia đình không hạnh phúc lại không hạnh phúc theo cách riêng của họ.” – Leo Tolstoy

Nhiều bậc cha mẹ cố gắng cho con cái có được một tuổi thơ hạnh phúc như họ từng có. Những bậc phụ huynh này háo hức noi theo cách nuôi dạy con cái của cha mẹ mình với hy vọng tạo ra những ký ức tuổi thơ thú vị cho con.

Vậy còn những người lớn được nuôi dưỡng trong những gia đình tiêu cực hoặc bị ngược đãi thì sao? Họ coi cách nuôi dạy con cái của cha mẹ mình là điều nên tránh hơn là nên bắt chước. Họ có thể nhận thấy rằng mình đã học theo các kỹ năng ra quyết định và giao tiếp tệ hại mà họ chứng kiến từ những giáo viên đầu tiên của mình – cha mẹ của họ.

Nếu bạn từng sống trong một gia đình không hạnh phúc, hãy biết rằng quá khứ của bạn không có quyền quyết định tương lai của bạn. Thay vào đó, bạn có thể thực hiện các bước hành động để nhận biết và phá vỡ những kiểu hành vi rối loạn đã học được để “bắt đầu lại từ đầu” và nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh hơn với con cái của bạn.

Dưới đây là 5 cách để phá vỡ chu trình làm cha mẹ tệ hại cho dù bạn hay con bạn đang ở độ tuổi nào.

1. Thừa nhận rằng các lựa chọn nuôi dạy con của bạn cần phải thay đổi

Khi trở thành cha mẹ, bạn vui mừng khôn xiết vì con bạn đã chào đời và hứa sẽ không bao giờ làm những điều tiêu cực với con như cha mẹ đã làm với bạn. Tuy nhiên, bạn sẽ hay thấy chính mình cư xử với con cái theo chính cách mà cha mẹ bạn đã cư xử với bạn, mặc dù bạn có ý định tốt để làm khác đi. Hãy nhớ rằng cho dù quá khứ của bạn như thế nào, thì các lựa chọn làm cha mẹ hiện tại của bạn rất quan trọng, vì chúng ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của con bạn bằng cách dạy chúng cách nhìn nhận bản thân và tương tác với người khác.

Để phá vỡ chu trình làm cha mẹ tệ hại, trước tiên, bạn phải xác định được cách bạn phản ứng với những nhân tố gây căng thẳng – điều mà bạn học từ cha mẹ – và xác định những gì cần thay đổi. Cho dù bạn thấy mình đang có xu hướng đánh đập để trừng phạt con cái, nhục mạ hay chỉ trích con cái, sẽ có những cách làm cha mẹ mà bạn vẫn “cảm thấy đúng đắn” vì bạn đã được nuôi nấng theo cách đó. Nhưng cảm thấy đúng không có nghĩa là việc đó đúng và một khi bạn thừa nhận rằng cách nuôi dạy con cái của mình là tệ hại, thì bạn có thể làm điều gì đó để thiết lập các cách thức mới, mang tính xây dựng hơn để xử lý các tình huống nuôi dạy con hàng ngày.

2. Định hình lại suy nghĩ của bạn để cho phép những thực hành mới trong việc nuôi dạy con cái

Lối hành xử học được từ các thế hệ cha ông có thể được thay đổi, ngay cả khi nó đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một phần lý do khiến các thực hành xấu trong việc nuôi dạy con cái trở thành chu kỳ là do hành vi sai trái đã ăn sâu vào bạn trước khi bạn có khả năng đặt câu hỏi hoặc từ chối nó.

Nếu bạn nhận thấy rằng cách hành xử của bạn đang làm tổn thương con cái thì bạn có thể chọn định hình lại suy nghĩ của mình để thực hiện những cách phản ứng với con cái hiệu quả hơn. Ngay cả khi bạn tin rằng mình không thể trở thành cha mẹ tốt bởi vì bạn đã không lớn lên cùng những người cha mẹ đủ tốt, bạn vẫn có thể tránh xa các lựa chọn nuôi dạy con không hiệu quả, đồng thời tìm đến các phương pháp nuôi dạy con thành công để áp dụng vào cuộc sống của bạn.

Cụ thể, qua nhiều thập kỷ nghiên cứu xem việc nuôi dạy con cái ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ nhỏ, chúng ta thấy rằng những đứa trẻ khôn ngoan nhất được nuôi dạy bởi những bậc cha mẹ tập trung vào bốn trách nhiệm nuôi dạy con sau đây:

• Duy trì sức khỏe và sự an toàn thể chất cho trẻ để thúc đẩy khả năng phát triển thể chất của trẻ;

• Thúc đẩy sự lành mạnh về mặt cảm xúc của trẻ, bao gồm việc nuôi dưỡng ý thức tích cực về bản thân và dạy các kỹ năng phù hợp để phòng tránh và đương đầu với thách thức;

• Thấm nhuần các kỹ năng xã hội cần thiết để trẻ hòa đồng và tôn trọng người khác; và

• Chuẩn bị cho trẻ về mặt trí tuệ theo những cách phù hợp với lứa tuổi để trẻ có thể thành công ở trường học và trong cuộc sống.

Qua việc học cách trở thành kiểu cha mẹ sử dụng các phương pháp nuôi dạy con thành công, bạn sẽ ngừng nuôi dạy theo cách phỏng đoán, mà theo cách bạn chưa từng học trong ngôi nhà thời thơ ấu của chính mình.

3. Thiết lập ranh giới để duy trì các lựa chọn nuôi dạy con mới mẻ và lành mạnh hơn

Áp dụng các thực hành nuôi dạy con cái hiệu quả hơn là một nửa của phương trình phá vỡ chu trình làm cha mẹ tệ hại, nửa còn lại là duy trì môi trường nuôi dưỡng đó, và nó có nghĩa là thiết lập ranh giới! Trẻ em phát triển mạnh nhất khi chúng hiểu rõ xem điều gì chấp nhận được và điều gì không.

Trong thực tế, nghiên cứu lưu ý rằng các hộ gia đình nuôi dạy con cái thành công là những hộ gia đình kết hợp sự ấm áp và nhạy bén với những kỳ vọng đã định sẵn về hành vi. Bằng cách thiết lập và thi hành các ranh giới kỷ luật phù hợp với hành vi của trẻ, cha mẹ không chỉ ngăn con mình cư xử tệ, mà còn đang dạy cho trẻ cách tự kiểm soát, tự định hướng và khả năng xem xét tất cả những kỹ năng sống thiết yếu khác.

Điều đáng chú ý ở đây là khi bạn cố gắng tạo lập một tổ ấm an toàn và trưởng dưỡng, sẽ có những người khiến bạn nhụt chí. Hãy thiết lập ranh giới với họ, nhờ đó, bạn có thể tuân thủ thói quen nuôi dạy con mới mẻ và ích lợi hơn.

4. Sử dụng ngôn ngữ tích cực để hướng con bạn tới hành vi phù hợp.

Trong gia đình rối ren, việc chỉ trích và nhục mạ quá mức là những cách phổ biến để khiến trẻ tuân thủ các quy tắc. Cách làm cha mẹ tồi tệ này có thể dẫn đến việc những đứa trẻ dễ bị xấu hổ và luôn bị ám ảnh, khi lớn lên, chúng sẽ chọn áp dụng cách nuôi dạy khắc nghiệt đó với con cái của mình. Nếu bạn được nuôi dưỡng trong một gia đình như vậy, hãy phá vỡ chu trình sử dụng ngôn ngữ bạo hành con cái và thay vào đó, hãy sử dụng ngôn ngữ tích cực để giúp con bạn cư xử đúng mực.

Ví dụ: bạn có thể sử dụng ngôn ngữ tích cực thay cho lời chế giễu hoặc gây mặc cảm tội lỗi trong các tình huống phổ biến sau:

Thay vì chỉ trích nhân dạng của con bằng cách hỏi: “Con là loại người gì mà suốt ngày đánh em thế?”, thì bạn có thể nói: “Đánh người sẽ làm người khác bị đau và tổn thương con ạ. Đó là lý do tại sao chúng ta phải giữ tay mình không để nó đánh người khác.”

Thay vì khiến con thấy xấu hổ với những cảm xúc của bé khi nói: “Chỉ có trẻ con mới khóc nhè” thì hãy nói: “Mẹ rất tiếc vì con cảm thấy buồn. Hãy hít một hơi thật sâu và nói cho mẹ biết chuyện gì đã xảy ra nào.”

Thay vì khiến đứa lớn cảm thấy mặc cảm tội lỗi về sự chọn lựa của nó khi nói: “Sao con cứ suốt ngày kêu mẹ vậy? Con không thể không làm phiền mẹ à?” thì bạn có thể chân thành nói rằng: “Mẹ đánh giá cao con khi con gọi mẹ. Mẹ cũng rất thích nói chuyện với con và mong đợi để nói chuyện với con thường xuyên hơn” (Người dịch bổ sung: “Tuy nhiên, lúc này mẹ đang bận, chưa thể nói chuyện với con được, con cho mẹ thời gian hoàn tất công việc để dành thời gian nói chuyện với con nhé”).

Những thực hành tích cực này có thể mất một thời gian để tạo ra sự khác biệt, nhưng về lâu về dài, chúng sẽ khuyến khích sự giao tiếp hiệu quả giữa bạn và con.

5. Tha thứ cho cha mẹ và bản thân bạn vì những sai lầm quá khứ trong việc nuôi dạy con cái

Hầu hết các bậc cha mẹ đều không có ý định làm tổn thương con cái mình. Tuy nhiên, trên thực tế, có lẽ các bậc cha mẹ từ thế hệ trước đã không nhận thức được rằng những lựa chọn của họ để lại hậu quả tâm lý gì trên con cái, hoặc có thể họ chính là nạn nhân của sự bạo hành và không biết nuôi dạy con sao cho tốt hơn. Khi giữ mối hận thù với cha mẹ vì cớ những hành vi tệ hại của cha mẹ trong suốt thời thơ ấu, bạn sẽ cứ mãi tức giận và oán hận thay vì cho phép bạn giải phóng khỏi gánh nặng cảm xúc.

Tha thứ cho cha mẹ của bạn là một cách để tránh duy trì các thực hành nuôi dạy con tệ hại. Khi chọn cách buông bỏ mối hận thù với cha mẹ (dù họ có xin lỗi hay không), bạn đã cho phép bản thân thoát khỏi sự tổn thương và tập trung sửa đổi bản thân và các mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tha thứ là điều chúng ta làm cho chính mình, nhờ đó, chúng ta có bắt đầu một cuộc sống tích cực hơn mà không cần phải dính lấy những người cứ mãi làm hại chúng ta.

Thực hành tha thứ cũng bao gồm tha thứ cho bản thân về những sai lầm quá khứ trong việc nuôi dạy con cái. Cho dù con bạn còn nhỏ hay đã trưởng thành, bạn có thể thay đổi hành vi của mình để phá vỡ chu kỳ tương tác rối ren giữa cha mẹ và con cái, nuôi dưỡng những cách phản ứng yêu thương và mang tính gây dựng hơn với con bạn trong tương lai. Khi làm như vậy, bạn đang dạy cho con cái mình cách trở thành cha mẹ tốt hơn, và bạn trở thành “Người tu bổ những lỗ hổng tường thành,” tức là người sửa đổi những hành vi sai trái đã gây hại cho nhiều thế hệ trong gia đình (Ê-sai 58:12).

Mùa Hè Này, Hãy Để Trẻ Con Được Là Con Trẻ >>>

Tác giả bài viết, Dolores Smyth là một tác giả viết về đức tin và cha mẹ. Tác phẩm của bà đã xuất hiện trong nhiều ấn bản in và ấn phẩm trực tuyến. Bạn có thể theo dõi công việc của cô trên Twitter @LolaWordSmyth.

– Nguồn: crosswalk.com

– Hadassah Phạm dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.