Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Làm Gì Khi Cơ Đốc Nhân Không Đọc Kinh Thánh?

Làm Gì Khi Cơ Đốc Nhân Không Đọc Kinh Thánh?

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống Trong các buổi nhóm thờ phượng, hãy cho hội chúng thật nhiều lời Kinh thánh. Từ đầu tới cuối, từ lời kêu gọi thờ phượng đến phần chúc phước, hãy dầm thấm dân sự trong lời Chúa, hát Kinh thánh, và kết thúc bằng Kinh thánh. Sau đó, khi bạn trò chuyện với dân sự sau buổi nhóm và trong cả tuần, hãy tiếp tục cho họ những lời Kinh thánh mang tính khích lệ và trang bị. Hãy trở thành một người phục vụ Lời Chúa!

Nghiên cứu gần đây do LifeWay Research tài trợ chỉ ra một kết quả đáng buồn nhưng không lấy gì làm lạ: “Một phần ba số người Mỹ thường xuyên đi Hội thánh Tin Lành (32%) nói rằng họ tự đọc Kinh thánh mỗi ngày. Khoảng một phần tư (27%) nói rằng họ đọc vài lần/tuần.” Người ta phân chia kết quả theo hướng nhân khẩu học và cung cấp thêm nhiều thông tin nữa, nhưng thực tế đã rõ: nhiều người – dù họ là người tốt, là Cơ Đốc nhân, tin vào Kinh thánh – nhưng lại không dành thời gian với Lời Chúa mỗi ngày, thậm chí mỗi tuần.

Những năm gần đây, trung tín trong sự tĩnh nguyện cá nhân là vấn đề mà bầy chiên nhờ tôi cầu nguyện nhiều nhất. Tôi đã luôn cầu thay cho họ như sau: “Chúa ơi, con cầu nguyện để ngày hôm nay, cô ấy sẽ mở Kinh thánh của mình ra và đọc một đoạn nhỏ thôi cũng được. Con cầu nguyện để cậu ấy sẽ nhắm mắt lại và cầu nguyện, vài phút thôi cũng được.” Nhiều người cũng nhờ tôi cầu nguyện để vượt qua khó khăn và biết vâng phục, nhưng đến nay, vấn đề được nhờ nhiều nhất lại là vấn đề đơn giản nhất: Cầu nguyện để tôi sẽ đọc Kinh thánh và cầu nguyện.

Điều này đã tác động mạnh đến tôi – một người mục sư, một người giảng đạo. Hội thánh của chúng tôi hiểu biết về Kinh thánh và bảo thủ về thần học. Nhiều người đến với nó vì họ khao khát giáo lý lành và sự giảng giải Kinh thánh. Chúng ta dễ tin rằng phần lớn dân sự trong một Hội thánh như vậy sẽ yêu mến lời Chúa trong cả tuần mà không chỉ vào ngày Chúa nhật. Nhưng từ lâu, tôi đã nhận ra rằng không phải như vậy. Thậm chí trong một hội thánh như vậy, nhiều người vẫn phải tranh chiến để làm điều mà họ tin rằng mình phải làm.

Tôi ngờ rằng gần 100% những người tham gia học Kinh thánh và đến hội thánh tôi đều tin rằng họ cần phải đọc Kinh thánh suốt tuần và rằng họ cảm thấy tội lỗi vì không làm như vậy. Hơn nữa, gần 100% có học thức và có thể tiếp cận những nguồn tài nguyên để hiện thực hóa điều này. Vấn đề không phải là sự thiếu hiểu biết, kỳ vọng cá nhân hoặc khả năng hạn chế, nhưng là sự cam kết. Người ta không làm điều mà họ tin rằng mình phải làm, mà thực ra là muốn làm.
Điều này đưa tôi đến một số điểm áp dụng cho bản thân – biết đâu chúng cũng giúp ích cho bạn.

Một là, hãy cứ tin rằng khi người ta đến hội thánh vào ngày Chủ nhật, nhiều người, thậm chí phần lớn chưa đọc Kinh thánh, hoặc thậm chí chưa nghĩ nhiều đến nó từ Chủ nhật tuần trước. Đừng cho rằng hội chúng đã dành nhiều thời gian với Lời Chúa trong tuần đó giống như mục sư của họ (hy vọng là như vậy). Điều này phải tác động đến cách bạn xây dựng buổi nhóm và cách bạn chuẩn bị bài giảng.

Hai là, trong các buổi nhóm thờ phượng, hãy cho hội chúng thật nhiều Kinh thánh. Từ đầu tới cuối, từ lời kêu gọi thờ phượng đến phần chúc phước, hãy dầm thấm dân sự trong lời Chúa. Hãy mở đầu bằng Kinh thánh, đọc Kinh thánh, xưng tội bằng Kinh thánh, xác nhận sự tha thứ bằng Kinh thánh, cầu nguyện bằng lời Kinh thánh, giảng Kinh thánh, hát Kinh thánh, và kết thúc bằng Kinh thánh. Sau đó, khi bạn trò chuyện với dân sự sau buổi nhóm và trong cả tuần, hãy tiếp tục cho họ những lời Kinh thánh mang tính khích lệ và trang bị. Hãy trở thành một người phục vụ Lời Chúa!

Ba là, hãy cẩn thận với việc lấy mặc cảm tội lỗi làm động lực để khích lệ người ta đến với Lời Chúa mỗi ngày. Người ta đã thử làm như vậy mà vẫn thấy thiếu. Như tôi đã nói, vấn đề không phải là Cơ Đốc nhân không biết là họ cần ở trong Lời Chúa. Thực ra, phần lớn không thấy được lợi ích hữu hình của Kinh thánh trong đời sống mình, bởi vậy, họ để những thứ khác đẩy Kinh thánh ra. Theo tôi, nếu chúng ta làm gương trước – đặt Lời Chúa làm trung tâm của các buổi nhóm thờ phượng và trong đời sống của chính mình – rồi kêu gọi người ta làm như vậy như vậy trong gia đình và đời sống cá nhân thì sẽ tốt hơn nhiều. Đừng khiến người khác phiền lòng vì thấy mình thiếu cam kết, hãy gây ấn tượng cho họ bằng niềm vui trong lời Chúa.

Cuối cùng, hãy giảng thật giản đơn. Càng dành nhiều thời gian với Lời Chúa và nghiên cứu lời Chúa càng lâu thì người mục sư càng chú ý đến những sắc thái thứ yếu và những chi tiết nhỏ trong phân đoạn. Nhưng anh ta cần nhớ rằng nhiều người, hoặc phần đa dân sự ngồi nghe giảng ít khi nghĩ đến Kinh thánh. Phần lớn không cần được dạy những bài học cao siêu nhưng cần được nhắc nhở về những lẽ thật cơ bản. Đừng giảng cách nhàm chán hay ngu ngốc, nhưng cũng hãy giảng thật đơn giản mà vẫn truyền đạt chính xác những điều đúng đắn, tốt đẹp và thuần khiết.

Hỡi các mục sư, hãy nhớ rằng bạn là người phục vụ Lời Chúa. Giống như một người mẹ đem sự an ủi đến với đứa con đang buồn bã, hoặc một bác sĩ đem sự chữa lành đến cho bệnh nhân, bạn cần đem lời Chúa đến với dân sự. Dù bạn có làm gì khác, hay giúp dân sự theo cách nào khác, ít nhất là hãy trung tín phục vụ Lời toàn hảo, toàn vẹn và toàn năng của Đức Chúa Trời.

Các Dự Án Chuyển Ngữ Kinh Thánh Đang Bảo Tồn Những Ngôn Ngữ Có Nguy Cơ Bị Biến Mất >>>

– Tác giả bài viết: Tim Challies –

– Nguồn: challies.com

– Hannah dịch –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.