Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Lễ bái gia đình để làm gì? Có lẽ không có thói quen hay kỷ luật nào được ca ngợi, khuyến khích hoặc thậm chí được chỉ định thực hiện trong các gia đình Cơ Đốc nhân hơn điều này. Nhưng mục đích của thực hành này là gì? Nó cần phải đạt được điều gì? Trải qua nhiều năm dẫn dắt việc lễ bái gia đình, tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng hoạt động này không giống những gì mình nghĩ.
Khi Aileen và tôi bắt đầu xây dựng thói quen lễ bái trong gia đình, ban đầu là sau bữa tối rồi chuyển sang trước bữa sáng, chúng tôi cho rằng gia đình lễ bái chủ yếu là phương tiện để chúng tôi dạy Kinh Thánh cho con cái. Khi chúng còn nhỏ chúng tôi sẽ tập trung vào những câu chuyện và khi chúng lớn lên, chúng tôi sẽ tập trung vào giáo lý. Và đúng là chúng tôi đã làm như vậy. Ban đầu, chúng tôi tập trung vào các nhân vật và sự kiện quan trọng được tường thuật trong Kinh Thánh, sau đó chúng tôi chuyển sang tập trung các con vào Châm ngôn, các thư tín và đời sống Cơ Đốc. Điều này, theo tôi, đã được chứng minh là có lợi, đặc biệt là khi chúng ta bổ sung các tài nguyên tham khảo hữu ích như Niềm tin lớn (Big Belief) hoặc Trái tim được tôi luyện (Training Hearts), Tâm trí người giảng dạy (Teaching Minds). Rõ ràng là những điều như vậy rất khó để đo lường và đánh giá, và tôi không cho rằng đây là lợi ích lớn nhất. Gia đình lễ bái chứng tỏ rằng nó có thể cung cấp nhiều lợi ích hơn so với việc chỉ tiếp thu kiến thức đơn thuần.
Vậy thì các lợi ích được tìm thấy ở đâu – những lợi ích mà chúng ta không ngờ tới? Trước nhất, chúng tôi đã tìm thấy gia đình lễ bái là một phương tiện quan trọng để công bố sự ưu tiên dành cho gia đình mình. Khi đến với Lời Chúa và cầu nguyện cùng nhau mỗi ngày (hoặc ít nhất là một vài ngày), chúng tôi đã làm gương trong việc đặt những thực hành làm trung tâm của đời sống Cơ Đốc. Con cái của chúng tôi có thể hiểu cách Aileen và tôi nhấn mạnh thời gian tĩnh nguyện cá nhân mỗi ngày (vì tôi làm điều này trước khi chúng thức dậy và Aileen thì thực hiện sau khi chúng đi học), nhưng khi cả gia đình nhóm lại và cùng lễ bái, chúng tôi thể hiện sự ưu tiên và tầm quan trọng của việc lắng nghe tiếng Chúa và nói chuyện với Ngài. Hơn nữa, khi chúng tôi bỏ lỡ mất một hai ngày lễ bái gia đình vì hoàn cảnh bắt buộc mà không hoảng sợ, chúng tôi thể hiện rằng lễ bái gia đình không phải là phương tiện để chúng tôi được Chúa yêu, mà là qua đó chúng tôi lớn lên trong mối quan hệ với Ngài, Đấng đã thể hiện tình yêu với chúng tôi. Đặc biệt, chúng ta chống lại quan niệm rằng Chúa dễ dàng thay đổi ý kiến của Ngài về chúng ta tùy theo chúng ta có lễ bái tốt không, lễ bái đều không.
Dành thời gian làm điều này với nhau hằng ngày cũng là một phương tiện để xây dựng sự gần gũi trong gia đình. Có rất nhiều điều chúng tôi có thể làm để xây dựng mối quan hệ giữa năm người nhà tôi. Từ lâu chúng ta đã hiểu rằng chia sẻ kinh nghiệm có ý nghĩa hơn nhiều so với tích lũy tài sản. Tuy chúng tôi vẫn giữ thói quen tặng quà cho nhau vào những ngày thích hợp, nhưng những món quà như thế rất dễ bị lãng quên nhanh chóng. Ngược lại, ký ức về các kỳ nghỉ, các dịp lễ, những khoảng thời gian hay sự kiện đặc biệt khác thì còn lại. Việc lễ bái gia đình kêu gọi chúng ta đến với những trải nghiệm hằng ngày trong gia đình.
Tuy chỉ có một số buổi đáng chú ý nhưng chúng dần dần tạo ra một điều đặc biệt. Cuối cùng, gia đình lễ bái không chỉ là thời gian chóng vánh mỗi ngày, mà gần giống như một kinh nghiệm bền lâu. Nhìn lại thì nó có vẻ giống một điều lớn lao hơn là hàng ngàn điều nhỏ bé. Và đó là một trong những điều đó – những điều định hình – mà chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau.
Và lợi ích tiếp theo của thói quen này là góp phần tạo lập quy củ và sự ổn định cho cuộc sống chung của gia đình. Như đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc lễ bái gia đình, chúng tôi thấy rằng nó đã trở thành một kiểu quy củ cho cuộc sống chung của chúng tôi. Trong mười tám hoặc hai mươi năm, con cái của chúng tôi đã sống chung chùng chúng tôi, như vậy, mỗi ngày, thói quen này sẽ tiếp tục gọi chúng tôi tới cùng một chỗ, ở cùng một thời điểm, với cùng một mục đích – để được ở với Chúa ít nhất là một lúc. Đó là một kiểu thói quen, có lẽ giống như việc ăn cùng nhau và đi hội thánh cùng nhau, tạo nên sự gắn kết trong một gia đình. Không điều gì có thể khiến tôi cảm nhận rõ sự vắng mặt của con trai mình (nó đang học ở trường đại học) hơn là nhìn thấy chiếc ghế trống của nó lúc 6:55 sáng.
Cuối cùng, có một điều như thế này: thông qua gia đình lễ bái, chúng ta làm gương về sự tĩnh nguyện cá nhân, vì hai người gần nhau thì sẽ trở nên giống nhau. Khi cả gia đình đến với Chúa, chúng tôi dạy cách ở riêng với Ngài. Tất cả những gì mà các con cần để xây dựng thói quen tĩnh nguyện cá nhân là bắt đầu bắt chước và biến thói quen lễ bái gia đình này thành thói quen của riêng mình. Chúng tôi đã làm gương về cách cầu nguyện và nội dung cầu nguyện; chúng tôi đã làm gương về cách hiểu Kinh Thánh và áp dụng nó sao cho đúng. Điều này thì không được dạy qua các bài học hoặc các hội thảo mà phải bằng những tấm gương lâu bền.
Nhiều năm qua, nhiều lần tôi cảm thấy thói quen tĩnh nguyện gia đình của chúng tôi trở nên nhàm chán hoặc quá đơn giản. Tuy chưa bao giờ bị cám dỗ từ bỏ nhưng tôi thường bị cám dỗ phức tạp hóa thì giờ này, để đánh giá xem con cái của chúng tôi đã thu nhận được bao nhiêu kiến thức. Nhưng khi nhìn lại gần hai mươi năm làm việc này cùng nhau, tôi thấy có rất nhiều lợi ích tuyệt vời của việc lễ bái đơn giản nhưng trung tín. Tuy con cái chúng tôi đã học được rất nhiều điều, tôi ngày càng tin rằng một số bài học hay nhất và quan trọng nhất không chỉ là các nhân vật, câu chuyện và giáo lý. Gia đình lễ bái không có một mục đích riêng rẽ, nhưng là cả một mạng lưới đan xen và cùng nhau tạo thành một thứ gì đó lớn hơn nhiều so với tất cả các phần của nó gộp lại.
Năm Cách Để Một Gia Đình Cơ Đốc Sống Theo Sứ Mạng >>>
– Nguồn: challies.com –
– Tác giả bài viết: Tim Challies –
– Nguyễn Hoàng Thu Uyên dịch –