Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Lễ Phục Sinh là gì? Tầm quan trọng của Lễ Phục Sinh
Sự kiện Phục Sinh có gì quan trọng với Cơ Đốc nhân? Đối với một số người, Lễ Phục Sinh chỉ đơn giản là buổi gặp mặt gia đình với hình tượng dễ thương của chú Thỏ Phục Sinh. Đối với những người khác, Lễ Phục Sinh là thời khắc để kỷ niệm sự chết, sự mai táng và sự sống lại của Chúa Giê-su. Đối với nhiều người, Phục Sinh hay Giáng Sinh đều được tổ chức theo kiểu nửa đời nửa đạo.
Hiểu về sự kiện Phục Sinh từ quan điểm Cơ Đốc giáo là điều tối quan trọng. Việc kỷ niệm sự chết, sự mai táng và sự sống lại của Chúa Giê-su từ kẻ chết chính là nền tảng đức tin của các tín đồ của Chúa Giê-su. Có thể nói: nếu không có giáo lý này thì cũng không có Cơ Đốc giáo và không có Lễ Phục sinh của Cơ Đốc nhân.
Trên cả giáo lý này là sự hiểu biết về lẽ thật rằng Chúa Giê-su đã chịu chết để trả giá cho tội lỗi của chúng ta, Ngài đã được chôn, và sống lại với thân thể vinh hiển, đắc thắng sự chết và mồ mả. Khi chúng ta đặt đức tin vào Ngài và chỉ một mình Ngài, chúng ta có lời hứa rằng đến một ngày chúng ta cũng sẽ có một thân thể như Chúa của chúng ta và cùng trị vì với Ngài trên Thiên đàng.
Trong thư Phi-líp đoạn 3 câu 20-21, Kinh Thánh chép: “Nhưng chúng ta là công dân trên trời; từ nơi ấy, chúng ta trông đợi Chúa và Cứu Chúa là Đức Chúa Giê-su Christ. Ngài sẽ biến hóa thân thể thấp hèn của chúng ta trở nên giống như thân thể vinh quang của Ngài, dùng quyền năng khiến muôn vật quy phục Ngài.“
Trong, II Ti-mô-thê 2:11-12, Kinh thánh cũng chép: “Lời nầy là chắc chắn: Nếu chúng ta đã chết với Ngài, Thì cũng sẽ sống với Ngài; Nếu chúng ta chịu gian khổ, Thì sẽ cùng cai trị với Ngài…” Chính điều này mang lại niềm hy vọng cho mọi Cơ Đốc nhân không chỉ trong lễ Phục Sinh mà còn trong suốt cả năm.
Lịch sử của Lễ Phục Sinh trong Cơ Đốc giáo
Lịch sử của lễ Phục Sinh của Cơ Đốc giáo được kể trong cuốn sách Lịch sử Hội thánh Cơ Đốc1 (A History of The Christian Church1). Bản ghi chép rõ ràng đầu tiên về việc cử hành Lễ Phục Sinh của Cơ Đốc nhân có liên quan đến chuyến thăm của Polycarp (giám mục Smyrna) tới Anicetus (giám mục Rome) trong năm 154 hoặc 155 (sau Công nguyên) để thỏa thuận về thời gian thực hiện Lễ Phục Sinh. Giám mục Polycarp đại diện cho truyền thống cổ xưa hơn qua việc tổ chức Lễ Phục sinh bắt đầu bằng một buổi cầu nguyện và kết thúc với bữa tối cuối cùng của Chúa vào đêm ngày 14 tháng Nisan (theo lịch Do Thái), giống như Ngày Lễ Vượt Qua, bất kể là ngày đó rơi vào ngày nào trong tuần.
Còn giám mục Anicetus lại đại diện cho truyền thống La Mã – luôn tổ chức tiệc Phục Sinh vào Chúa nhật, sau đó một số khu vực của phía Đông bán cầu cũng thực hiện như vậy. Cả hai giám mục không đạt được một thỏa thuận chung nào mà họ cứ tiếp tục thực hiện theo cách của mình. Sau nhiều tranh chấp về ngày tháng trong các nhà thờ ở vùng Tiểu Á, vấn đề trở nên nghiêm trọng đến mức các cuộc họp được tổ chức vào khoảng năm 190 quyết định ủng hộ việc Lễ Phục Sinh được tổ chức vào Chúa Nhật. Tại một hội nghị đồng công vào năm 314, Lễ Phục sinh theo ngày của La Mã đã chính thức được thông qua.
Vào thế kỷ thứ ba trong nhà thờ Công giáo, “sự kiện lớn nhất trong năm là mùa Phục Sinh”. Ngay trước đó là một trong kỳ kiêng ăn để tưởng nhớ sự thương khó của Đấng Christ. Tuy nhiên truyền thống lại khác nhau ở nhiều khu vực của đế quốc La Mã. Ở Rô-ma, họ thường có 40 giờ kiêng ăn và cầu nguyện để tưởng nhớ đến Chúa Giê-su ở trong mộ. Khoảng thời gian 40 giờ này đã được kéo dài ra, đến thời kỳ của Công Đồng Nicaea trở thành Mùa Chay kéo dài 40 ngày. Mùa Chay kết thúc với buổi bình minh của buổi sáng Phục Sinh, và sau đó thời kỳ Phục Sinh vui mừng bắt đầu. Thời gian này sẽ không còn việc ăn kiêng hoặc quỳ gối cầu nguyện tại các điểm thờ phượng công cộng. Đêm Phục Sinh là thời điểm người ta thích thực hiện phép báp-têm nhất, để một người mới có thể tham dự vào niềm vui Phục Sinh.” 2 Tại Hội nghị đồng công Nicaea, người ta đã ấn định một ngày chính thức để tổ chức lễ Phục sinh.
Những Cơ Đốc nhân được tái sinh – Một sự phản chiếu cá nhân về sự Phục Sinh
Những Cơ Đốc nhân được tái sinh chính là bằng chứng về cái chết, sự mai táng và sự phục sinh của Đức Chúa Giê-su Christ, Đấng Cứu Thế, vượt qua những hy vọng lầm lạc vào những điều sáo rỗng. Qua sự đau đớn, khổ sở và ô nhục mà Chúa Giê-su đã gánh chịu thay cho chúng ta, lẽ thật đã đến. Sự sống đời đời đã đến. Thật là một niềm hy vọng vinh quang mà bạn có thể chia sẻ với tất cả những ai đang trông chờ vào lẽ thật.
Tìm hiểu thêm về Đức Chúa Giê-su Christ!
1 Lịch sử Hội thánh Cơ Đốc của tác giả Williston Walker, Charles Scribner’s Sons xuất bản, New York, 1970. Trang 61-62, 85, 106, 109, 325.
2 trang 85 của cuốn sách trên
BẠN NGHĨ SAO? – Tất cả chúng ta đều đã phạm tội và đáng nhận sự đoán phạt của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời Cha đã sai Con Một của Ngài đến để chịu thay sự phán xét đó cho những người tin vào danh Ngài. Chúa Giê-su, Đấng Tạo Hóa và Con đời đời của Đức Chúa Trời, đã sống một cuộc đời vô tội, yêu thương chúng ta đến nỗi chết vì tội lỗi của chúng ta, chịu hình phạt mà chúng ta đáng phải nhận, bị chôn, và sống lại từ cõi chết theo Kinh Thánh. Nếu bạn thực sự tin điều này trong lòng, và xưng nhận rằng chỉ duy nhất Chúa Giê-su là Đấng Cứu Rỗi của bạn, tuyên bố rằng “Chúa Giê-su là Chúa”, bạn sẽ được cứu khỏi sự phán xét và có sự sống đời đời với Chúa trên thiên đàng.
Quyết định của bạn là gì?
Vâng, hôm nay tôi quyết định đi theo Chúa Giê-su
Vâng, tôi đã là một người theo Chúa Giê-su
Tôi vẫn còn nhiều câu hỏi
Nguồn: allaboutgod.com
Sự Phục Sinh Của Đấng Christ: Các Đặc Điểm Thần Học>>>
– Khánh Tùng dịch –