Search
Friday 29 March 2024
  • :
  • :

Câu Hỏi Dành Cho Người Vô Thần và Những Câu Trả Lời Bất Ngờ

Điều gì khiến người ta xa rời tôn giáo và trở thành người vô thần? Đó là câu hỏi khiến Larry Taunton hết sức trăn trở. Ông đã thực hiện một chuỗi các cuộc phỏng vấn với hàng trăm người vô thần ở độ tuổi sinh viên trên khắp cả nước.Câu hỏi của ông chỉ đơn giản là: “Điều gì đã khiến bạn trở thành một người vô thần?”

Những câu trả lời gây ngạc nhiên và tạo ra một bức tranh phác họa hoàn toàn bất ngờ về những người vô thần ở độ tuổi sinh viên của Mỹ. Đây là một bản tóm tắt từ bài báo của ông.

1. Họ đã từng tham gia Hội thánh: Phần đa đã có một nền tảng về Hội thánh và đã chọn thuyết vô thần để phản đối Cơ Đốc Giáo.

2. Sứ mạng và sứ điệp của Hội thánh họ còn mơ hồ: Có rất nhiều sứ điệp về làm điều lành trong cộng đồng nhưng “hiếm khi họ thấy mối quan hệ giữa những sứ điệp đó với Chúa Giê-su và Kinh Thánh”

3. Họ cảm thấy Hội thánh mình trả lời những câu hỏi khó của cuộc sống một cách hời hợt: Hội thánh đã không đưa ra những vấn đề như tạo hóa khác với tiến hóa, vấn đề tình dục, độ tin cậy của Kinh Thánh, mục đích của cuộc sống,… Ngược lại, các sứ điệp điệp lại rất nhạt nhẽo, nông cạn, không liên quan và nhàm chán.

4. Họ tôn trọng những người hầu việc Chúa nghiêm túc với Kinh Thánh: Điều này được kết luận trong một câu trả lời của một sinh viên: “Tôi thực sự không thể coi một Cơ đốc nhân là một người tốt và có đạo đức nếu anh ta không cố cải đạo tôi”
5. Lứa tuổi từ 14 đến 17 rất cương quyết: Phần lớn đã ôm ấp tư tưởng vô tín trong suốt những năm học phổ thông.

6. Quyết định vô tín thường là một quyết định cảm xúc: Mặc dù họ đều đưa ra lý lẽ dựa trên lý trí cho việc trở thành người vô thần, nhưng phần lớn những lý do lại mang đậm tính cảm xúc, thường là những đau khổ.

7. Internet tác động mạnh mẽ tới quyết định cải đạo sang thuyết vô thần của họ: Thay vì bị “cải đạo” bởi phong trào Những Người Vô Thần Mới đang phổ biến, đa phần họ lại bị ảnh hưởng qua các video trên Youtube và diễn đàn trên các website.
Vậy, bài học nào cho một Cơ Đốc Giáo mạnh mẽ hơn? Hãy lần lượt nói đến từng điểm trên.

1. Hội thánh cần phải truyền giáo cả bên trong cũng như bên ngoài:  Chúng ta không thể mặc định rằng những đứa trẻ chỉ cần đến Hội thánh là được cứu rỗi và sẽ tiếp tục tham gia Hội thánh được. Cánh đồng truyền giáo đầu tiên của chúng ta phải là chính gia đình và Hội thánh của mình. Điều này cũng đặt một trách nhiệm lớn lao lên những người xưng mình là Cơ đốc nhân. Đức tin, lời nói và hành động của họ phải nhất quán do có rất nhiều người rời Hội thánh vì bị những kẻ giả hình vùi dập.

2. Sứ điệp của chúng ta phải rõ ràng và lấy Tin Lành làm trung tâm: Giáo lý, nghi thức, buổi nhóm và sự suy ngẫm phải luôn gắn liền với Tin Lành là trọng tâm cùng bổn tính và công việc của Chúa Giê-su

3. Chúng ta phải tìm cách giải quyết những câu hỏi khó: Chúng ta không thể chỉ giảng những bài giảng hay, làm ấm lòng, khích lệ và truyền cảm hứng mà còn phải đối diện với thực tế của nền văn hóa hiện đại và những thách thức không ngừng của nó với niềm tin Cơ Đốc. Khi đã thực sự tiếp cận những câu hỏi này, chúng ta phải thật công bằng, yêu thương và chân thật.

4. Truyền giáo một cách đam mê và thuyết phục: Các sinh viên không có ấn tượng gì với những bài diễn thuyết hời hợt về lẽ thật nhưng lại cưỡng ép người ta tin Chúa. Có lẽ đây là một kết quả gây bất ngờ nhất. Bằng một cách nào đó, chúng ta tin rằng những bài giảng, hoặc phải giống như những giờ học ở trường, hoặc chỉ là những thảo luận đời thường và thú vị mà thôi, không cần phải tin quyết, cảm xúc hay sốt sắng quá. Nhưng đối với nhiều sinh viên, cách tiếp cận vô vị này là hoàn toàn vô nghĩa.

5. Những năm học phổ thông nguy hiểm hơn những năm học đại học: Đừng đợi đến khi người trẻ tuổi học đại học mới trang bị khí giới thuộc linh cho họ.

6. Lôi cuốn cả tấm lòng và tâm trí: Vì lẽ đa số những người chuyển sang thuyết vô thần là do cảm xúc và thường liên quan tới đau khổ, chúng ta cũng phải lôi cuốn cảm xúc của họ để giành lại họ. Chúng ta không thể chỉ cho họ những triết lý và quy luật cứng nhắc hay thậm chí chỉ là lẽ thật trong Kinh Thánh được. Chúng ta cần truyền đạt tình yêu, niềm vui và sự bình an trong lời chứng của mình, đồng thời cho họ những trải nghiệm được chữa lành cảm xúc của qua Chúa Giê-su, Đấng đã chịu đau đớn để cứu chuộc họ.

7. Dùng internet để quảng bá chân lý Cơ Đốc: Rất nhiều đứa trẻ đến Hội thánh và các nhóm thanh niên Cơ Đốc từ hai đến ba giờ một tuần, nhưng lại dùng những 20 đến 30 giờ để lên mạng. Nếu chúng ta không thay thế những video và diễn đàn đang tấn công kín đáo hoặc công khai niềm tin Cơ Đốc kia bằng những thứ tương tự lành mạnh hơn thì đừng bất ngờ nếu bọn trẻ ngày một xa rời Hội thánh.

Nói tóm lại, nghiên cứu này mang đến nguồn khích lệ không nhỏ cho những Hội thánh đang rao giảng cả Kinh Thánh bằng niềm đam mê truyền giáo, sự thuyết phục chân thành, cho những Hội thánh đang áp dụng lẽ thật vào thế giới hiện đại và những vấn đề hiện đại, dùng công nghệ số để tiếp cận, truyền giáo, và môn đồ hóa giới trẻ của mình.

Còn bạn thì sao? Bạn rút ra được những bài học gì từ nghiên cứu này?

Tác giả bài viết: David Murray

Nguồn: headhearthands.org

– Người dịch: Hoàng Xoa –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.