Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Nhà Truyền Giáo 90 Tuổi

Gia Thế

Bà quả phụ mục sư (QPMS) Chung Khâm Lộc tên thật là Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1921 tại xã Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc. Bà là con thứ 3 trong một gia đình có 9 người con. Lúc lên 6 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Hoa và người chị được gởi về sống với ông bà nội tại Cao Lãnh để đi học. Hằng tuần cả hai được bà nội dẫn đi nhà thờ.

Năm 1934, lúc 13 tuổi, sau khi nghe Mục sư Lê Đình Tươi tại Hội Thánh Cao Lãnh giảng, cô bé Nguyễn Thị Hoa bằng lòng tin nhận Chúa. Cô bé say mê học hỏi Lời Chúa và thường chia xẻ lại những điều mình biết về Chúa cho bạn bè và những người thân quen.

Hôn Nhân

Tháng 4 năm 1938, cô Nguyễn Thị Hoa lập gia đình với cậu Chung Khâm Lộc, con trai của một chủ tiệm bánh mì tại Cần Thơ. Hai tháng sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ được bà mẹ của chú rể khuyến khích đi dự Hội Đồng tại Vĩnh Long. Tại Hội Đồng này, sau khi được nghe Mục sư Tiến sĩ Tống Thượng Tiết giảng, cả hai quyết định dâng trọn cuộc đời cho Chúa sử dụng.

Quyết định hầu việc Chúa của đôi vợ chồng trẻ được người mẹ chồng ủng hộ nhưng người cha chồng phản đối.  Ông muốn người con trai đầu lòng nối nghiệp ông làm chủ lò sản xuất bánh mì tại Cần Thơ. Dầu gặp chống đối, đôi vợ chồng trẻ quyết định đi theo tiếng gọi của Chúa; và cái giá mà họ phải trả là bị cha từ bỏ.

Huấn Luyện Thần Học

Tháng 9 năm 1938, đôi vợ chồng trẻ rời Cần Thơ ra Đà Nẵng để theo học tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng (Tourane Bible School). Chúa đã sắp đặt để Mục sư Lê Đình Tươi, cậu ruột của chú rể, và ông bà Giáo sĩ Jeffrey đã tìm cách giúp đôi bạn trẻ để họ có thể giữ trọn sự hứa nguyện với Chúa.

Sau khi được huấn luyện Kinh Thánh và thần học tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng, đôi vợ chồng vị truyền đạo trẻ tuổi đã đến tập sự hầu việc Chúa tại Hội Thánh Trà Ôn, Vĩnh Long, sau đó tại Hội Thánh Nhị Mỹ, Cao Lãnh và Hội Thánh Thành Lợi, Cần Thơ.

Truyền Giáo Trên Cao Nguyên

Năm 1938, tại Hội Đồng Vĩnh Long, Mục sư Tiến sĩ Tống Thượng Tiết nhắc nhở Hội Thánh Việt Nam về trách nhiệm truyền giáo cho tất cả các sắc tộc trên cao nguyên. Công việc truyền giáo cho người sắc tộc, thật ra, đã được bắt đầu hàng chục năm trước đó và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, năm 1943 khi người Nhật chiếm Đông Dương, tất cả các giáo sĩ bị quản thúc tại Mỹ Tho. Công việc truyền giáo tại cao nguyên bị đình trệ.

Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và Hội Truyền Giáo quyết định đẩy mạnh công cuộc truyền giáo cho người sắc tộc trở lại. Hội Thánh cần nhiều giáo sĩ nội địa.

Từ khi học tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng, ông bà Chung Khâm Lộc đã được Chúa kêu gọi, và đã hứa nguyện hầu việc Chúa cho công việc truyền giáo tại cao nguyên. Trước nhu cầu truyền giáo của Hội Thánh, năm 1946 Mục sư và bà Chung Khâm Lộc nộp đơn xin làm giáo sĩ tại vùngHoàng Triều Cương Thổ, tức Cao Nguyên Trung Phần ngày nay. Năm 1950, thỉnh nguyện đó được Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chấp nhận.

Tháng 5 năm 1950, Mục sư và bà Chung Khâm Lộc được bổ nhiệm đến truyền giáo cho dân tộc Kơho tại Djiring.  Djiring, bây giờ là Di Linh, là một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng (Lâm Đồng). Cả thị trấn Djiring lúc đó chưa có đến 500 người Việt.

Mục sư và bà Chung Khâm Lộc đã học tiếng Kơho với K’Sac là cháu của Mục sư Ha Sol. Mục sư Ha Sol là người đầu tiên đã dịch Kinh Thánh ra tiếng Kơho. Thông thường người mới học tiếng Kơho phải mất khoảng hai năm mới có thể đàm thoại, cảm ơn Chúa sau ba tháng ông bà Chung Khâm Lộc có thể nói những điều căn bản và dạy Kinh Thánh cho các em thiếu nhi.

Trong 8 năm kế tiếp, ông bà Mục sư Chung Khâm Lộc cộng tác với các mục sư và giáo sĩ để mở mang công việc Chúa giữa vòng người sắc tộc tại Di Linh. Đến năm 1959, trước nhu cầu truyền giáo cho người Việt tại Di Linh, ông bà chuyển sang làm Mục sư cho Hội Thánh người Việt. Nhà thờ Tin Lành Di Linh được xây vào năm 1959.

Hoạt Động Giáo Dục

Tháng 5 năm 1966, Mục sư Chung Khâm Lộc về với Chúa vì bệnh ung thư cột sống. Trở thành góa phụ ở tuổi 45 với 11 đứa con, trong đó 8 người con chưa lập gia đình, bà Chung Khâm Lộc phải bắt đầu một cuộc sống mới.

Đức Chúa Trời thật tốt lành. Ngài đã có chương trình lo liệu cho bà và gia đình. Một năm trước khi Mục sư Chung Khâm Lộc về với Chúa, với đức tin nơi Chúa và sự giúp đỡ của một số người quen, bà đã xin phép và xin tài trợ để thành lập một ký túc xá Tin Lành tại Di Linh. Khi Mục sư Chung Khâm Lộc về với Chúa, bà điều hành ký túc xá đó như một mục vụ để hầu việc Chúa. Về sau cơ sở giáo dục này trở thành trường Tiểu Học Tin Lành Bích Quang tại Di Linh.

Sau Năm 1975

Trường Tiểu Học Tin Lành Bích Quang hoạt động gần 10 năm thì chiến tranh Việt Nam kết thúc. Sau biến cố tháng 4 năm 1975, toàn bộ cơ sở nhà trường bị trưng dụng. Bà QPMS Chung Khâm Lộc đã đem các con rời Di Linh về Sài Gòn. Như rất nhiều gia đình người Việt trong giai đoạn đó, bà đã vất vả để xây dựng lại cuộc sống mới. Dầu vậy, bà vẫn không quên những tín hữu người Việt lẫn sắc tộc tại Di Linh. Bà và gia đình vẫn tiếp tục cầu nguyện và hổ trợ cho họ trong đức tin.

Đoàn Tụ Gia Đình

Sau 17 năm gây dựng cuộc sống tại Sài Gòn, năm 1992 bà QPMS Chung Khâm Lộc cùng các con sang đoàn tụ gia đình tại Hoa Kỳ. Đối với nhiều người, tuổi 70 là tuổi về hưu. Đây là lúc an hưởng tuổi già tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bà QPMS Chung Khâm Lộc không dừng lại tại đó; bà vẫn tiếp tục hầu việc Chúa. Bên cạnh việc cộng tác với các hội thánh địa phương, vì bà cụ vẫn còn nói và đọc được tiếng Kơho lưu loát, bà đã cộng tác với Mục sư và bà Trương Văn Tốt trong việc phát thanh Tin Lành trong tiếng Kơho.

Tái Đầu Quân Cho Chúa

Năm 2001, lúc đã 80 tuổi, bà ghi danh theo học chương trình huấn luyện mục vụ do International School of Ministry (ISOM) tổ chức.  Ban đầu, vì tò mò bà chỉ muốn học để hiểu thêm Lời Chúa. Tuy nhiên, trước thực tế hơn 80 triệu người Việt vẫn chưa biết Chúa, trong bài diễn văn tốt nghiệp vào cuối năm 2003, bà cho biết: “Tôi quyết định tái đầu quân vào đoàn quân của Đức Chúa Trời”. Ở tuổi 82, bà QPMS Chung Khâm Lộc quyết định dùng những ngày tháng còn lại trong cuộc đời mình để chia xẻ tình yêu của Đức Chúa Trời cho những người chưa biết Chúa.

Truyền Giáo Tại Malaysia

Trong thời gian đó, hàng chục ngàn thanh niên Việt Nam đã đến Malaysia lao động. Những bạn trẻ Việt Nam sang Malaysia làm việc với hy vọng sẽ thoát khỏi cảnh khó nghèo, kiếm tiền để giúp gia đình và bản thân. Thực tế phủ phàng tại môi trường làm việc mới khiến các thanh niên Việt Nam thất vọng. Nhiều tệ nạn đã xảy ra. Cuộc sống của các công nhân Việt Nam tại Malaysia thật bi đát khiến nhiều người xúc động.

Khi biết về thực trạng đó, năm 2004, bà QPMS Chung Khâm Lộc đã tham gia một chương trình truyền giáo ngắn hạn tại Malaysia. Chỉ trong hơn một tháng, đoàn truyền giáo, với sự cộng tác của các Hội Thánh Malaysia, đã làm chứng và dẫn đưa 923 người tin nhận Chúa.

Vấn đề được đặt ra là ai sẽ chăm sóc những tân tín hữu này. Hội Thánh Tin Lành tại Malaysia mong ước có các cộng tác viên người Việt để giúp họ trong công tác truyền giảng và chăm sóc các thanh niên Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề trở ngại là Hội Thánh Malaysia không có ngân sách để hổ trợ trả lương cho giáo sĩ. Điều Hội Thánh Malaysia có thể làm là giúp chỗ ăn ở cho các nhà truyền giáo người Việt mà thôi.

Về lại Hoa Kỳ, ưu tư về số phận của các thanh niên Việt Nam tại Malaysia trở thành một gánh nặng trong lòng một bà cụ đã 83 tuổi. Các bạn trẻ Việt Nam tại Malaysia đang mất phương hướng trong cuộc sống. Họ sống trong đau khổ, tủi nhục, thiếu tình thương và không có hy vọng. Chúa Giê-xu đến thế gian để phục hồi lại địa vị cao quý cho con người, ban cho nhân thế tình yêu, hy vọng, và chỉ cho con người biết hướng đi của cuộc sống. Những bạn trẻ Việt Nam tại Malaysia cần biết Chúa.

Vào thời gian đó, có một số bài viết về hoàn cảnh đáng thương của các công nhân Việt Nam tại Malaysia và phân tích trách nhiệm này thuộc về ai. Đối với bà QPMS Chung Khâm Lộc, bà muốn làm một điều gì thiết thực để giúp các bạn trẻ này. Sau khi cầu nguyện, cụ Chung Khâm Lộc quyết định sang Malaysia sống tại đó để giúp các thanh niên Việt Nam. Bà cụ quyết định ra đi dầu biết rằng khi ra đi cụ sẽ mất quyền lợi của những người già tại Hoa Kỳ.

Đã 54 năm kể từ ngày cụ rời Cần Thơ lên cao nguyên Việt Nam, một lần nữa cụ quyết định quay lại chức vụ giáo sĩ tình nguyện. Lần này, cụ rời Hoa Kỳ vượt nửa vòng trái đất đến Malaysia để lo việc truyền giáo cho các thanh niên Việt Nam.

Thấm thoát 8 năm trôi đã qua từ ngày cụ đến Malaysia trong chức vụ giáo sĩ.  Đã có thêm hàng trăm người biết về Chúa và tiếp nhận Ngài qua đời sống cùng lời làm chứng của cụ. Các thanh niên Việt Nam tin Chúa tại Malaysia đã gọi cụ một cách trìu mến là bà ngoại. Vài người trong số những người này, noi gương cụ đã trở thành người hầu việc Chúa.

Cô Nhi Viện Cà Mau

Một trong những người được cụ hướng dẫn tin Chúa đã về lại Cà Mau. Tại Cà Mau, thanh niên này đã làm chứng cho hơn 200 người tin Chúa, trong đó có hơn 100 người đã nhận thánh lễ báp-têm. Một cộng đồng tín hữu mới đã được thành lập tại Cà Mau.

Cà Mau cũng là nơi mà cụ Chung Khâm Lộc đã sống một thời gian ngắn trong thời niên thiếu. Trong một lần về thăm Việt Nam, khi đến thăm những tân tín hữu tại Cà Mau, cụ biết được nhu cầu của Hội Thánh cần nơi thờ phượng Chúa và rất nhiều trẻ em mồ côi, do những thiếu nữ lầm lỡ sinh ra, cần được giúp đỡ. Khi biết một căn nhà có đất rộng, có thể đáp ứng cho nhu cầu phát triển của Hội Thánh và cô nhi viện, đang đăng bán với giá $35,000, cụ đã lấy đức tin mua dù trong túi chỉ có $1,000.

Cảm ơn Chúa, các mục sư và tín hữu tại Malaysia và Singapore đã quyên góp giúp số tiền còn lại. Hiện nay, một cô nhi viện đơn sơ và một trung tâm truyền giáo đã được xây dựng tại cơ sở này. Các cơ quan này đã được phép chính thức hoạt động tại Thị xã Cà Mau.

Vài Nhận Xét

Thi Thiên 92:13-14 mô tả một hình ảnh thật đẹp về một người hầu việc Chúa: “Những người được trồng trong nhà Đức Giê-hô-va sẽ trổ hoa trong hành lang của Đức Chúa Trời chúng ta.  Dù đến tuổi già cả, họ sẽ còn sinh bông trái, thịnh vượng và xanh tươi”. Tác giả Thi Thiên so sánh những người hầu việc Chúa như những cây cổ thụ, nhưng vẫn xanh tươi; và dầu cao tuổi họ vẫn trổ hoa, kết trái.

Chúng ta cảm ơn Chúa về bà QPMS Chung Khâm Lộc: Một cây cổ thụ vẫn trổ hoa như tên gọi của cụ. Chín mươi tuổi, dầu không giữ một chức vụ gì trong Hội Thánh, cụ vẫn âm thầm và không ngừng hầu việc Chúa.

Ước mong, bên cạnh cây cổ thụ đó, sẽ có nhiều cây xanh mọc lên và trổ hoa trong nhà của Đức Chúa Trời.

Theo Phước Nguyên

Tháng 7/2012

www.thuvientinlanh.org




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.