“Thương quê mình xứ Nghệ
Miền trung đất khô cằn
Mùa đông trời buốt giá
Mùa hạ nắng cháy da
Ruộng đồng mưa nứt nẻ
Mưa đi không kịp về
Bao đời dân xứ Nghệ
Một lòng yêu thương quê…”
Chất chứa trong những câu hát da diết này là nỗi lòng của những người con xa xứ đau đáu trông về quê hương mình. Người tin Chúa ở đâu cũng vậy. Chúa cho mỗi người “chôn rau cắt rốn” tại những vùng nhất định, với những kỷ niệm thời niên thiếu, để gắn bó và mang nặng mối thân tình với quê hương, xóm làng, gia đình, người thân. Lòng người tin Chúa xứ Nghệ cũng hát câu hát này, nhưng trong giai điệu khác:
“Thương quê mình xứ Nghệ
Miền Trung thiếu Tin Lành.”
Chưa từng đặt chân tới mảnh đất này, biết nó chỉ qua những lời kể, những điệu dân ca hò ơ quen thuộc, nhưng tôi may mắn được nghe những câu chuyện của những người tin Chúa nơi đây và khát khao cháy bỏng của họ muốn trở lại quê hương, mang Tin Lành về quê mình. Họ – những hạt giống đầu mùa này đang nghe theo lời kêu gọi của Chúa. Lòng sốt sắng cứu những linh hồn hư mất cùng nỗi lòng, tình yêu trong họ đang hòa vào làm một, sẵn sàng để Chúa, qua mình, làm những việc thật lớn và khó cho vương quốc của Ngài.
Phần lớn những hạt giống đầu mùa này là những người đi làm ăn xa, có những người từ Malaysia, Hàn Quốc, Đức, Nga… trở về. Ban đầu bao giờ cũng thật khó khăn khi họ phải chịu áp lực từ nhiều phía, cũng tranh chiến rất nhiều. “Hội Thánh ở đâu cũng có sự bắt bớ, nhưng quan trọng mình có niềm tin từ Chúa, bởi vì biết sự sống trên đời này cũng chóng qua”. Một người Nghệ An chia sẻ với tôi như vậy. Hai vợ chồng tin Chúa tại Hàn Quốc, sốt sắng trở về lại quê hương và rao giảng Tin Lành trong vô số khó khăn. Lối sống trọng cộng đồng, theo cộng đồng và tục lệ thờ cúng đã ăn sâu vào trong tư tưởng những con người ở đây như thách thức họ. Anh dùng một hình ảnh mô tả sau đây mà tôi ngẫm cũng thật đúng. Cứu những linh hồn ở đây, khó như thể thương cảm mà nhận một người ăn xin ngoài đường về làm con vậy, làm sao cho người đó về nhà mình, thay đổi tính nết họ dần dần để họ hiểu chuyện hơn, biết cách ăn ở, nói năng hơn. Nhưng may mắn là người tin Chúa làm bởi sức Chúa, không vậy sao có thể làm được! Đôi khi người nữ không có để chăm sóc người nữ mới tin Chúa, lại đành cử người nam đến để hướng dẫn họ và chăm sóc họ. “Nhưng mình phải nhìn thấy cái điều Chúa làm đó là có nhiều con người được thay đổi, nhiều con người có ước ao là những người khác cũng tin Chúa.” Có lẽ đó là động lực khích lệ họ vượt qua mọi khó khăn. Thêm nữa, ở nơi nắng lắm mưa nhiều này, con người lại được “Ông Trời” rèn giũa thêm nghị lực và sự gan góc trước mọi sự cản trở, bắt bớ.
Diện tích lớn thứ tư cả nước, có biên giới giáp Lào và có rất nhiều thành phần dân tộc bao gồm cả Thái, Thổ, Hmông…, nhiều cánh cửa đang mở ra tại Nghệ An này và thật nhiều những việc quyền năng mà Chúa đang làm tại đây. Trong ba tháng trở lại đây, người tin Chúa mới rất nhiều bởi sự làm chứng của anh chị em và những nhóm nhỏ đang mở ra. Năm nay, tại Nghệ An nói riêng, Bắc Trung Bộ nói chung có số lượng người đi học lời Chúa khá nhiều: 7 người học khóa học nền tảng, 2 người học khóa tiếp sau và 1 người trong khóa học cho lãnh đạo và chăn bầy. Tôi được nghe về chị em thanh niên người Thái, mở nhóm nhỏ tại nhà, hay khao khát và đi học lời Chúa mặc dù tất bật công việc quanh năm suốt tháng; về một người tin Chúa tại Na Uy đưa rất nhiều người mới đến nhóm,… Tôi hiểu hơn về tình yêu thương Chúa đặt nơi mỗi người trên quê hương họ.
Nghệ An cũng là mảnh đất đồng khô, nắng cháy và còn rất nhiều khó khăn
Đồng bào dân tộc ở Nghệ An có tấm lòng tin Chúa rất đơn sơ. Hội Thánh cũng có nhiều chuyến đi đến các vùng núi, nhưng chủ yếu chỉ dừng lại ở công tác từ thiện. Ước mong là những con gặt ở nơi khác sẽ được sai phái đến đây, nhưng những con gặt mang gốc gác ở đây cũng được sai phái trở về nữa.
Kể ra câu chuyện của những người tin Chúa ở Nghệ An đây, hẳn ai cũng nhớ về nơi mình đã sinh ra và ước mong một ngày Tin Lành về tới. Nhưng ai nghĩ được là chính mình sẽ là người mang Tin Lành về quê mình? Ai nghĩ được mình sẽ là hạt giống đầu mùa thật chắc mẩy mà Chúa muốn gieo?.
– ctv. Ng. Hằng –