“Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin lành cho mọi người, hãy khiến muôn dân thành môn đồ Ta”. Quả thật, mọi dân tộc khắp địa cầu, tận cùng thế giới, đều cần trở thành môn đồ Ngài.
Đó là Đại Mạng Lệnh giao phó cho tất cả những ai tin vào danh Jêsus là Cứu Chúa. Mạng Lệnh cho Cơ đốc nhân ở Mỹ, ở Hàn Quốc, cũng đồng thời là Mạng lệnh cho mọi Cơ đốc nhân người Việt Nam chúng ta.
Lời Chúa phán: “Thật, Ta bảo thật các con, người nào tin Ta cũng sẽ làm những việc Ta làm, và sẽ làm những việc lớn hơn nữa”. “Nếu ai yêu Ta thì sẽ vâng giữ Lời Ta”… Lời Chúa rất rõ ràng. Nên mỗi chúng ta đều được kêu gọi để tham gia công tác Đại mạng lệnh.
Xuyên suốt lịch sử chúng ta thấy bàn tay hành động và tể trị của Đức Chúa Trời để hoàn thành ý muốn của Ngài: Sau đó tôi nhìn xem, kìa, có một đoàn người rất đông không ai đếm được, từcác nước, các bộ tộc, các dân tộc, các thứ tiếng, đứng trước ngai và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm lá kè… (Khải huyền 7:9).
Đức Chúa Trời đã sai phái nhiều tôi tớ Ngài xuyên suốt lịch sử Hội thánh, những người châu Âu, chây Mỹ và châu Á. Chúng ta tin rằng, hiện nay là thời kỳ Đức Thánh Linh đang vận hành mạnh mẽ tại Á châu, và Ngài gọi các nước châu Á tham gia công tác hoàn thành Đại mạng lệnh.
Đây là lúc đất nước Việt Nam cùng bước vào cánh đồng truyền giáo quốc tế để góp phần hoàn thành Đại mạng lệnh.
Trong khu vực Đông Nam Á và bán đảo Đông Dương, chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời có thể sử dụng Việt Nam để tham gia công tác Đại mạng lệnh và thiết lập các Hội thánh tại trước hết là các nước lân cận như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và hoàn toàn có thể tiến xa hơn nữa. Hội thánh Lời Sự Sống và nhiều Hội thánh khác đã bước đầu cử các giáo sĩ tới làm việc tại Malaysia để phục vụ bộ phận công nhân người Việt tại đất nước đa sắc tộc này. Chúng ta cũng tin tưởng rằng, Đức Chúa Trời sẽ sử dụng Cơ đốc nhân Việt nam để cầm tiếp ngọn đuốc thắp sáng Phúc âm tại nhiều dân tộc xung quanh.
Tôi xin chia sẻ với các bạn một kinh nghiệm riêng tư được Chúa kêu gọi cưu mang cho công tác thuộc linh tại đất nước Lào. Ngày 1/1/2011, hội truyền giáo Đông Dương chính thức được thành lập với khải tượng thiết lập Hội thánh khắp 63 tỉnh thành trước năm 2014 và mở mang công tác truyền giáo quốc tế. Tôi được Mục sư giao cho công tác tìm hiểu thông tin về đất nước Lào và Campuchia để trình chiếu trong lễ thành lập hội truyền giáo. Khi tìm kiếm những thông tin này trên mạng internet, tôi bắt đầu quan tâm đến Lào trong lòng mình.
Ngày 14/2/2011, sau kinh nghiệm kể trên hơn một tháng, tôi được nghe một bài giảng từ sách Mác 11:17 với chủ đề “Nhà Ta là nhà cầu nguyện cho các dân tộc”, Đức Chúa Trời đặt để trong lòng tôi một cách mạnh mẽ về nước Lào, và đúng ngày Valentine năm 2011 đó, tôi biết mình bắt đầu yêu mến một dân tộc khác không chỉ dân tộc Việt nam.
Đất nước Lào nằm ngay sát biên giới phía Tây Việt Nam với tổng chiều dài biên giới là 2069 km, diện tích 236.800 km2 (bằng 3.5/5 diện tích Việt Nam) và số dân trên dưới 7 triệu người (khoảng dân số thủ đô Hà Nội).
Lào có 17 tỉnh thuộc hệ thống hành chính cấp cao nhất và một thành phố Viêng Chăn. Dân cư khoảng 60% là dân tộc Lào, bắt nguồn từ người Thái di cư từ Trung Quốc từ những năm 1000 trước Công Nguyên. Ngoài ra cũng có người H’mông, người Thái, người Dao, người Shan và một ít người Tây Tạng-Miến Điện.
Về niềm tin, một bộ phận người Lào có tín ngưỡng thờ cúng linh vật, ngoài ra, phần lớn nước Lào theo Phật giáo. Số người tin Chúa ước tính có khoảng 3% (~200 ngàn tín hữu), trong đó nhiều người thuộc nhóm dân Mon-Khơ me, đặc biệt dân tộc Khơ mú ở phía Bắc và dân tộc Bru ở các tỉnh miền Trung.
Giáo hội CMA đã góp phần đem Phúc âm rao giảng tại miền Nam Lào từ những năm 1973, và thành lập khoảng trên 34 Hội thánh.
Hiện chỉ có một Hội thánh duy nhất được chính quyền chính thức công nhận tại Lào là Hội thánh Tin lành Lào (Laos Evangelical Church – viết tắt LEC). Một số giáo phái khác như Giám lý, Hội-thánh Đấng Christ, AG, Lu-thơ-ran và Báp-tít cũng hoạt động tại Lào nhưng không chính thức. Nhiều giáo phái muốn được công nhận cần tháp vào giáo hội LEC.
Có khoảng 50.000 Ki-tô hữu thuộc giáo hội Công giáo, trong đó nhiều người là người Việt tập trung tại vùng đô thị và dọc sông Mê-kông vùng trung tâm tại miền Nam.
Vì nhiều lý do, không có nhiều giáo sĩ đang làm công việc Chúa tại Lào, và các giáo sĩ hầu việc Chúa ở Lào cần phải làm đồng thời làm thương mại hoặc hỗ trợ giáo dục hay công tác chính quy nào đó. Các buổi truyền giảng hoặc dạy Kinh thánh cũng chỉ được phép hoạt động trong khuôn khổ các nhà thờ dưới sự cho phép của nhà nước. Các hoạt động tôn giáo không được phép tự ý tổ chức khi chưa cho phép tại những nơi công cộng hoặc nhà riêng…
Một nhà thờ trên phố Haiphong, thành phố Viêng chăn
Nhà thờ trên phố Luang Prabang, Viêng Chăn
Một trung tâm huấn luyện thuộc Hội thánh Công giáo tại Thakhek
Dân tộc Lào cũng như mọi dân tộc khác đều cần đến Phúc âm cứu rỗi của Chúa. Rất rất nhiều con người đói khát thuộc linh đang chờ để được nghe về sự Giáng sinh, sự chuộc tội và sự sống phục sinh của Cứu Chúa Jêsus Christ. Tiếng của Đại mạng lệnh vẫn gọi bạn. Và đất nước Lào chờ đón bạn.
Dân tộc Lào đã có trong lòng tôi.
Dân tộc nào trong lòng bạn?
Clip “Giọt nước mắt cho Châu Á”
– Fap –