Người ta bảo “Việt Nam là bảo tàng tôn giáo của thế giới” vì người Việt theo rất nhiều đạo. Và trong cách so sánh như thế, “An Giang chính là bảo tàng tôn giáo của Việt Nam”. Cả nước ta có 6 tôn giáo chính (Tin Lành, Công Giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo), thì An Giang còn có thêm 6 tôn giáo nội phát khác được công nhận trong đó 9 trên tổng cộng 12 tôn giáo được cấp tư cách pháp nhân.
Đây thật sự là cánh đồng truyền giáo vô cùng rộng lớn với hàng triệu linh hồn chưa được cứu rỗi đang chờ đợi các môn đồ của Chúa Cứu Thế tới truyền giảng Phúc Âm và thiết lập các Hội thánh cho Ngài.
An Giang là tỉnh có dân số đông nhất và diện tích đứng thứ 4 ở đồng bằng sông Cửu Long, thuộc miền Nam Việt Nam. Một phần của An Giang nằm trong tứ giác Long Xuyên.
An Giang có diện tích là 3536.7 km², giáp các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang và giáp gianh Campuchia. Tính đến năm 2011, dân số toàn tỉnh là 2.151.000 người, mật độ dân số 608 người/km². Đây là tỉnh có dân số đông nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Dân tộc Khmer có 86.592 người, hầu hết đồng bào dân tộc Khmer theo Phật giáo Tiểu Thừa có tất cả 65 ngôi chùa lớn và hằng trăm ngôi chùa nhỏ có kiến trúc vô cùng khác lạ (như chùa Xà Tón – Xvayton, chùa Thơ Mít…).
Dân tộc Chăm có 13.722 người, hầu hết đồng bào Chăm theo đạo Hồi. An Giang là trung tâm của cộng đồng Hồi Giáo tại Việt Nam. An Giang có 9 làng Chăm thì có 9 thánh đường lớn cùng với nhiều tiểu thánh đường (Nhà cầu nguyện).
Dân tộc Hoa có 14.318 người, đại bộ phận sống ở thành phố, thị xã, thị trấn, có mối quan hệ chặt chẽ với người Hoa trong vùng và nhiều nước trên thế giới. Đồng bào người Hoa phần lớn theo Phật giáo Đại thừa, đạo Khổng và tín ngưỡng dân gian.
Dân tộc Kinh tập trung nhiều nhất ở huyện An Phú. Cuộc sống sinh hoạt gắn liền với nông nghiệp, di tích lịch sử không nhiều, chủ yếu là các chùa, đình làng. Phần đông người dân theo đạo Hòa Hảo, số khác theo đạo Cao Đài, đạo Phật, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương… Lễ hội truyền thống không nhiều.
An Giang là tỉnh có nhiều tôn giáo nhất nước – 9 tôn giáo tất cả. Ngoài các tôn giáo du nhập là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo còn có các tôn giáo nội địa được khai sinh tại đây như: Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo. Thêm vào đó, Tịnh Độ Cư Sĩ, Minh Lý đạo và Minh Sư đạo cũng có số tín đồ đáng kể.
Việt nam có 4 tôn giáo nội sinh được nhà nước công nhận thì riêng ở An Giang đã khai sinh ra 3 tôn giáo vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đạo Hòa Hảo.
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (còn được gọi là đạo Lành, Strange Fragrance from the Precious Mountain) theo truyền thuyết của phái này, cái tên Bửu Sơn (núi báu) chỉ về Thất Sơn – Bảy Núi (bảy ngọn núi linh thiêng thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên – An Giang) đặc biệt linh thiêng nhất là Núi Cấm. Và Kỳ Hương là mùi hương lạ (truyền thuyết nhà Phật có kể câu chuyện về Hội Long Hoa nơi thu nhận những người tu hiền) được khai sáng năm 1849 (cách nay 165 năm) bởi một người tục danh Đoàn Minh Huyên (1807-1856), đạo hiệu là Giác Linh, quê ở Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Sau này, khi ông đến tu tại chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc tỉnh An Giang) được tín đồ gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An. Hiện nay, đạo có khoảng 15.000 tín đồ theo.
Năm 1849, ở Nam Kỳ xảy ra vụ mất mùa và đại dịch (kéo dài đến 1850), đã làm nhân dân lâm vào cảnh cùng cực, khổ đau và chết chóc. Trong hoàn cảnh ấy, Đoàn Minh Huyên từ Tòng Sơn (nay thuộc huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) vào Tràm Dư, rồi đến vùng Kiến Thạnh (nay là làng Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) trổ tài trị bệnh cho dân. Từ chỗ chữa trị bệnh có kết quả, ông dìu dắt được nhiều bệnh nhân và người thân của họ nghe theo những điều răn dạy của ông. Trước thực trạng nghèo đói và bệnh tật triền miên, nghe nói hội Long Hoa giống như cõi Tiên tại thế, mà việc hành đạo lại rất dễ, nên người tin theo ngày càng đông.
Người đến quy y sẽ được Đoàn Minh Huyên cấp cho một tấm “lòng phái” (mảnh giấy màu vàng có ghi bốn chữ “Bửu Sơn kỳ Hương” màu son), được truyền dạy giáo lý “học Phật- tu Nhân”, tức là noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết “Tứ ân”, đó là: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo và Ân đồng bào nhân loại.
Về việc hành đạo, tuy lấy đạo Phật làm gốc, nhưng tín đồ đạo này không cần thờ tượng Phật (trên ngôi thờ Tam bảo chỉ cần thờ tấm trần điều màu đỏ), không cần phải ly gia cắt ái, không cần ăn chay, cạo râu tóc, gõ mõ tụng kinh,… và không cần phải dâng cúng những lễ vật tốn kém (bông hoa, nước lã là đủ).
Nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có Sơn Nam cho rằng đây là lối tu theo thuyết “vô vi”, tức là không chú trọng đến hình thức, không dụng tâm bày đặt ra cái này cái khác.
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có ảnh hưởng lớn trên sự hình thành hai tôn giáo nội sinh khác của Việt Nam là Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đạo Hòa Hảo.
Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa, do Ngô Lợi (thường được tín đồ gọi là Đức Bổn Sư) sáng lập. Theo tín đồ đạo Hiếu Nghĩa, thì ngày Đức Bổn Sư (Ngô Lợi) bỗng nhiên “bất tỉnh 7 ngày 7 đêm, để trở thành người “giải thoát tẩy trần tâm, giáo nhơn tùng thiện đạo” (rũ sạch lòng trần, dạy người theo đạo lành), chính là ngày khai sáng đạo của mình. Tuy nhiên, theo sách Địa chí An Giang (tập 2) thì đạo Hiếu Nghĩa ra đời tại núi Tượng (Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) vào năm 1876, tức là năm Ngô Lợi đưa một số đệ tử vào nơi đấy để khai hoang, lập chùa miếu và mở thôn ấp mới .
Khi mới ra đời, đạo Hiếu Nghĩa được Ngô Lợi gọi là đạo Thờ ông bà, sau này tín đồ gọi đạo của mình là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Để truyền tải tôn chỉ “Tu Nhân-Học Phật” Ngô Lợi đã thể hiện tất cả nội dung qua các bộ kinh hoặc chuyển thành các thể thơ dưới dạng sám giảng với lời lẽ bình dị, mộc mạc dễ nhớ và dễ đi vào lòng người, rất phù hợp với trình độ của người dân lúc bấy giờ. Do đó, đạo Hiếu Nghĩa nhanh chóng được người nông dân tiếp nhận.
Nhìn chung, hơn 140 năm hình thành và phát triển, đạo Hiếu Nghĩa đã qui tụ gần 80.000 tín đồ, sống rải rác ở nhiều tỉnh, thành thuộc Nam Bộ, nhưng nhiều nhất là ở huyện Tri Tôn (An Giang). Đây là đạo thuần túy nội sinh, tín đồ đa phần là nông dân.
Đạo ảnh hưởng nhiều từ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Phật, đạo Nho và đạo Lão; đạo ít quan tâm đến giáo lý mà chú tâm nhiều đến việc thờ cúng, bố thí và lấy việc “Tu Nhân-Học Phật” làm nền tảng cho sự hành đạo. Tu Nhân: Được thể hiện qua việc kính thờ và phụng sự tứ ân. Tứ trọng ân bao gồm: ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại. Ngoài việc kính thờ trên, người tín đồ còn phải hành xử việc “Hiếu” (hiếu thảo với ông bà tổ tiên) và việc “Nghĩa” (nghĩa vụ với đất nước, đồng bào và nhân loại). Học Phật: Là học những điều Phật giáo hóa chúng sanh, thành tâm phụng thờ và trì niệm Phật để cầu được giảm “tội, nghiệp”, được cứu độ và giải thoát. Tóm gọn, pháp môn tu hành của đạo Hiếu Nghĩa là: Trì niệm theo Phật giáo Thiền tông, Xử sự theo Nho giáo và Luyện “tinh, khí, thần” theo Lão giáo.
Nhìn chung, cả đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và đạo Hiếu Nghĩa đều mang sắc thái Phật giáo, thờ giáo chủ (Phật thầy Tây An và Đức Bổn sư), thờ tổ tiên và thực hành tín ngưỡng truyền thống.
Phật giáo Hòa Hảo, hay còn gọi là đạo Hòa Hảo, là một tông phái Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939, lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Theo thống kê năm 2009 có khoảng 1.433.252 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khiến tôn giáo này trở thành tôn giáo có số tín đồ đông thứ 4 tại Việt Nam. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tập trung chủ yếu ở An Giang với 936.974 tín đồ, là tỉnh có số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đông nhất cả nước chiếm 44% dân số toàn tỉnh và chiếm 65% tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong cả nước.
Đạo Hòa Hảo ra đời tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) vào năm 1939 do Huỳnh Phú Sổ sáng lập.
Huỳnh Phú Sổ, sinh ngày 25 tháng 11 năm 1920 (tức 25/11 Canh Thân). Thuở nhỏ, ông được cha cho học hết bậc sơ Pháp-Việt tại một trường ở huyện. Ông có tiếng thông minh, có năng khiếu thơ văn, nhưng vì luôn đau ốm nên không thể tiếp tục học lên bậc cao hơn. Sau đó, ông đi lên núi Cấm tìm thầy chữa bệnh và tại đây ông đã tu theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật thầy Đoàn Minh Huyên (1807-1856) sáng lập.
Huỳnh Phú Sổ tự nhận mình là bậc “sinh như tri”, biết được quá khứ nhìn thấu tương lai, được thọ mệnh cùng với Phật A-di-đà và Phật Thích-ca Mâu-ni, xuống hạ giới có nhiệm vụ truyền bá cho dân chúng tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương để “Chấn hưng Phật giáo, cứu độ chúng sinh khỏi sông mê, biển khổ và đưa tới chốn Tây phương cực lạc”. Ông chữa bệnh cho người dân bằng các bài thuốc đã học trong lúc đi chữa bệnh, đồng thời qua đó ông truyền dạy giáo lý bằng những bài sám giảng (còn gọi là sấm giảng) do ông soạn thảo. Vì vậy chỉ trong vòng 2 năm từ 1937 đến 1939 số người tin theo ông đã khá đông và ông trở nên nổi tiếng khắp vùng.
Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (tức 4 tháng 7 năm 1939), Huỳnh Phú sổ bắt đầu khai đạo, khi ông chưa tròn 20 tuổi. Nơi tổ chức lễ khai đạo chính là gia đình ông. Ông đã lấy tên ngôi làng Hòa Hảo nơi mình sinh ra để đặt tên cho tôn giáo mới của mình: đạo Hòa Hảo hay Phật giáo Hòa Hảo. Sau đó, ông được các tín đồ suy tôn làm giáo chủ mối đạo, và gọi ông bằng cái tên tôn kính là Huỳnh Giáo Chủ.
Đạo Hòa Hảo chủ trương tu tại gia hơn là đi lễ chùa. Họ chủ trương giúp đỡ người nghèo hơn là cúng tiền xây chùa hay tổ chức lễ hội tốn kém. Những buổi lễ được tổ chức rất đơn giản và khiêm tốn, không có ăn uống, hội hè. Lễ lộc, cưới hỏi hay ma chay không cầu kỳ như thường thấy ở những tôn giáo khác. Họ cho đó là những sự phung phí thay vì dùng tiền đó để giúp đỡ những người thực sự cần đến.
Đạo Hòa Hảo không có tu sĩ, không có tổ chức giáo hội mà chỉ có một số chức sắc lo việc đạo và cả việc đời. Không có nơi thờ công cộng, trung tâm của đạo ở làng Hòa Hảo gọi là tổ đình cũng chỉ mang tính gia tộc. Đạo này không xây dựng chùa chiền, không có tượng ảnh thờ. Vật thờ của đạo Hòa Hảo hiện nay là tấm vải có màu nâu sẫm (trần điều) trên bàn thờ (còn gọi là trang thờ) đặt ở gian chính giữa và xây một bàn thông thiên ở sân trước của nhà. Việc thờ phụng này thể hiện tư tưởng của Phật giáo: “Phật tại tâm, tâm tức Phật”. Đạo Hòa Hảo thờ Phật, ông bà tổ tiên và các anh hùng tiên liệt có công với đất nước, không thờ các thần thánh nếu không rõ nguyên nhân. Lễ vật khi thờ phúng cũng rất đơn giản chỉ có hoa và nước lạnh (nước mưa, nước lọc tinh khiết). Ban đêm đốt đèn ở bàn thờ trong nhà và bàn thờ thông thiên. Khi thờ tín đồ chỉ đọc sấm giảng do thầy Huỳnh Phú Sổ soạn và niệm lục tự Nam-mô-a-di-đà-Phật với mục đích tĩnh tâm và cầu vãng sanh Tịnh Độ.
Ở An Giang tín đồ Công Giáo và Tin lành chỉ chiếm 4%. Về Tin Lành, tỉnh An Giang là một trong các tỉnh mà công cuộc truyền bá Tin Lành còn triển khai chậm nhất, số lượng tín hữu ít nhất và chủ yếu là tín hữu thuộc Giáo hội CMA với 5 nhà thờ và 6 mục sư. Các hệ phái Tin lành khác còn vô cùng hạn chế…
Bài viết này thật ước mong những môn đồ của Chúa Cứu Thế hiểu thêm đôi chút về An Giang, thêm yêu mảnh đất An Giang, cưu mang những người nông dân bình dị nơi đây, mạnh mẽ cầu thay cho họ, dạn dĩ ra đi, để nhiều linh hồn được cứu rỗi, nhiều Hội thánh của Chúa Giê-su được thiết lập trên vùng đất mệnh danh là “Bảo tàng tôn giáo của Việt Nam”.
-ctv. tại miền Tây-