Thầy tế lễ
Thời Cựu ước, thầy tế lễ phải giữ cho ngọn lửa hằng cháy luôn trên bàn thờ (Lê-vi ký 6:8-13). Ngày nay, chúng ta thảy đều được kêu gọi trở thành “thầy tế lễ nhà Vua”. Vậy đền thờ của Chúa ở đâu? Đâu là ngọn lửa mà chúng ta cần phải gìn giữ cho cháy luôn luôn?
Thể theo Kinh thánh thì thân thể chúng ta là đền thờ của Chúa, ngọn lửa mà Chúa muốn gìn giữ là sự hiện diện thánh khiết của Đức Thánh Linh. Khi tôi và anh chị em tham gia những buổi cầu nguyện, dẫu chung hay riêng, chúng ta đều sẽ đến gần Ngài, gần bàn thờ thiêng – nơi ngọn lửa của Chúa luôn cháy. Kinh thánh cũng nói “anh em là hòn đá sống” để xây nên nhà thiêng liêng là hình ảnh đền thờ của Đức Chúa Trời (I Phi e rơ 2:5). Sự nhóm lại của Hội thánh và dân sự Chúa cũng mang hình bóng đền thờ, hoặc mang ngọn lửa của Chúa, hoặc chứa đựng tinh thần thế gian. Hội thánh hay tín đồ chỉ khác thế gian ở sự hiện diện của Chúa qua Đức Thánh Linh, thứ tôi và bạn chỉ có được qua những lần thức dậy sớm, đầu gối chạm đất, tay giơ cao trong những buổi cầu nguyện.
Sức mạnh của sự cầu nguyện
Trong Kinh Cựu ước, trước khi Chúa có thể hành động, vua hay thầy tế lễ phải nhóm dân sự lại và cầu hỏi ý muốn Ngài. Khi 120 môn đồ đã cùng nhau nhóm lại cầu nguyện ở phòng cao, Đức Thánh Linh đã đổ xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần và ở trong chúng ta cho đến ngày nay.
Nhiều nước như Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia,…đã chứng kiến cơn phấn hưng cùng những điều kỳ diệu: số lượng người tin Chúa gia tăng, kinh tế, quân sự phát triển và nhiều điều khác nữa. Nhưng chúng bắt nguồn từ đâu? Từ những con người, những Hội thánh cầu nguyện. Ngọn lửa của Chúa đã đổ xuống trên của lễ của sự tận hiến thời gian, sức lực và cả nước mắt. Đất nước đã thay đổi.
Không thể phủ nhận rằng những khải tượng, mục vụ trong Hội thánh chúng ta cũng được sinh ra bởi những con người cầu nguyện.
Một mình hay cùng nhau.
Hàn Quốc đã có những núi cầu nguyện, Indonexia có vọng canh cầu nguyện 24/7. Tôi và bạn sẽ làm gì cho Hội thánh mình, đất nước mình đây? Hãy mang ngọn lửa của Chúa. Hãy đến trong những buổi cầu nguyện của Hội thánh, tham gia vào những kỳ kiêng ăn. Hội thánh chúng ta sẽ tổ chức nhiều buổi cầu nguyện khác nhau như cầu nguyện bình mình vào mỗi sáng, cầu nguyện nữ giới, cầu nguyện kiêng ăn hằng tuần, hằng tháng để dân Chúa có thể cùng tham dự. Nhà của Chúa, Hội thánh nơi chúng ta đang sinh hoạt sẽ là “nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.
Bạn có ước mơ sẽ có ngày người ta đến những buổi cầu nguyện hệt như đi hội, tìm kiếm Chúa và khóc lóc, ăn năn với Ngài? Bạn có mong chờ ngày chúng ta cùng nhau nhóm lại tại những quảng trường, sân vận động không chỉ để giảng lời Chúa mà còn cùng nhau cầu nguyện cho Hội thánh và đất nước mình. Vậy thì, chớ làm một mình, hãy làm cùng nhau!
– Mục sư Phạm Ngọc Anh –