Chắc chắn bạn sẽ bất ngờ và thích với những hình ảnh sau đây, những khoảnh khắc chúng tôi lưu lại được sau một ngày ghé thăm cộng đồng người Việt tại một làng chài ngoại ô PhnomPenh.
Cam-pu-chia có vẻ rất xa xôi trong tâm trí chúng ta, rằng đó là “nước ngoài”, rằng phải đi qua “biên giới”, “cửa khẩu”… nhưng thật ra không hẳn như thế. Qua tận thủ đô nước bạn chúng tôi chỉ phải trả vé chưa đến 10 đô-la/1 người cho mọi chi phí, hành trang mang theo chỉ là một chiếc ba-lô nhỏ và cuốn hộ chiếu trên tay.
Chỉ cách nhau chưa đầy 100 mét hai bên biên giới, mọi thứ đã khác biệt rất nhiều. Nhà cửa và trụ sở hải quan bên Cam mang đậm phong cách Khmer và văn hóa Apsara từ mái sàn cho tới các cột rường. Phong cách Campuchia đặc trưng được thể hiện trên tấm bảng chào mừng:
Vừa qua biên giới 15 phút đi xe, tôi rất ngạc nhiên với hàng trăm, có khi tới vài trăm chiếc xe tải chở đầy những người. Chỉ xem đoạn clip mà không đọc chú thích có khi người ta sẽ tưởng đây là vùng đất nhức nhối nạn “buôn người” 🙂
Mỗi xe tải thường chở khoảng 50-70 công nhân đi làm như thế này mỗi ngày với mức đóng góp 15-20 Riel Campuchia/1 người (~75-100 ngàn tiền Việt).
Xe mất 6h đồng hồ để đưa chúng tôi từ Sài Gòn tới PhnomPenh, tại đây, một thầy truyền đạo rất dễ mến đã chờ sẵn và chở chúng tôi về khách sạn bằng chiếc xe “túc túc” mà tôi đặt cho cái tên mới là “taxi ôm”. Xe túc túc rất tiện lợi, như xe kéo hoặc xe ba-gác ở Việt Nam nhưng chủ yếu để chở người. Nếu xe ôm chỉ chở được 1-2 người, taxi chở được 4-5 người thì xe túc túc có thể chở đến cả chục người vẫn ok. Nói chung là chiếc “taxi ôm” của Campuchia khiến tôi rất lấy làm thích thú và nhiều cảm xúc…
Sau 2h đồng hồ, chúng tôi đến một làng chài trên sông Mê-kông nơi có rất nhiều người Việt nam sinh sống. Một gia đình người hầu việc Chúa đã chuyển đến nơi đây khoảng 3 năm rưỡi nay để mở lớp học tình thương dạy chữ cho các cháu không có cơ hội đi học, đồng thời xây dựng Hội thánh, truyền giảng Phúc Âm cho mọi người.
Thật ra trẻ em nơi đây rất hiếm có cơ hội học hành. Người dẫn đường của chúng tôi cho biết, thậm chí trẻ em bản địa ở thành phố cũng bỏ học đến tỷ lệ 15%; còn trẻ em người Việt sinh ra tại Campuchia hầu hết là không có giấy khai sinh để đi học. Một số rất ít có bố mẹ đã nhập quốc tịch Cam mới may mắn có cơ hội đến trường.
Do đó, những lớp học tình thương như lớp học này cho trẻ em Việt Nam là vô cùng ích lợi. Ít ra các em được học chữ, biết đọc, biết viết và học hết một số môn học phổ thông theo chương trình giáo dục. Tuy nhiên, lớp tình thương chỉ dạy được đến chương trình lớp 5, muốn học lên cao hơn buộc phải có đầy đủ các thủ tục pháp lý xã hội.
Gia đình thầy Dũng và cô Trang tại nơi đây quả thật có tấm lòng nồng hậu, cùng hai vị khách nữa trong nhà, họ đã đón tiếp chúng tôi một buổi chiều vui vẻ. Thầy cô kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống nơi đây, các gia đình sống tại làng chài này như thế nào, những em nhỏ hàng ngày đi học bằng một chiếc chậu sắt, những em lớn hơn thường rủ nhau đi cùng trên một chiếc ghe cho tiện. Ngày Chúa nhật, có khi thầy cô phải đi một vòng đón các cháu đến lớp để học chữ và học Thánh kinh.
Trẻ em khoảng 5 tuổi đã có thể đi lại rất điêu luyện bằng những chiếc chậu như thế này]
Chia tay làng chài, chúng tôi ghé thăm một lớp học tình thương khác tại gia đình thầy Ly Hữu Phước cách khoảng 1h đi xe. Thầy Phước định cư tại Campuchia cũng đã khoảng 20 năm và hầu việc Chúa giữa vòng người Việt tại Cam. Lớp học chính là căn phòng khách được tận dụng từ căn nhà của thầy cô thuê với giá 20 đô-la mỗi tháng.
Em nhỏ trong lớp thì tầm 5-6 tuổi, em lớn nhất đã 15, nhưng cũng mới chỉ học đến lớp 2. Chỉ tính riêng nhu cầu dạy chữ nơi đây cho trẻ không có cơ hội đến trường đã là một nhu cầu rất cần thiết. Nên một điều chắc chắn với những ai muốn hầu việc Chúa, muốn phục vụ và mở mang Hội thánh giữa vòng cộng đồng người Việt tại Campuchia là bạn sẽ không bao giờ “thất nghiệp”. Sẽ luôn luôn có rất nhiều cuộc đời đang chờ bạn đến để đụng chạm cuộc đời họ và giúp họ thấy một tương lai rộng lớn hơn, sán lạn hơn trong Cứu Chúa của cuộc đời họ.
Vì một lý do đặc biệt, tôi không thể tận hưởng và ngắm cảnh Phnompenh ban đêm, nhưng có lẽ lúc nào cũng có rất nhiều điều thú vị đáng để cảm nhận. Song những thú vị ấy chắc phải đợi chuyến viếng thăm lần kế tiếp. Hẹn gặp lại PhnomPenh. Hẹn gặp những con người thân thương, dễ mến, hẹn gặp Campuchia.
-Fap Trần, Ctv tại miền Nam-