Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Via Dolorosa-Con Đường Thương Khó

Loisusong.net – Chúng ta đang sống trong mùa thương khó – phục sinh. Đây là một dịp thật thích hợp để cùng nhắc nhở về sự thương khó mà Chúa của chúng ta đã phải chịu, vì loài người, vì bạn, vì tôi… Mục “theo dòng sự kiện” xin gửi tới bạn đọc một vài thông tin liên quan đến sự kiện đáng ghi nhớ này. Kính mời các con cái Chúa hội thánh Lời Sự Sống đến dự lễ thương khó tại các Hội Thánh khu vực của mình, vào 7h30, tối thứ sáu tuần này, 29/3/2013.

Đường Via Dolorosa tại Giê-ru-sa-lem

Via Dolorosa, trong tiếng La-tinh nghĩa là “Con đường thương khó” hoặc “Con đường đau đớn”. Đó là một con phố tại thành Giê-ru-sa-lem cổ, được coi là quãng đường mà Chúa Giê-su đã đi qua khi vác thập tự giá để đến nơi bị đóng đinh.  Con đường quanh co và dài khoảng 600 mét bắt đầu từ pháo đài Antonia, cũng là ngai của Tổng trấn Phi-lát, nơi xử án Chúa Giêsu, lên đồi Gô-gô-tha, nơi Chúa bị đóng đinh, và kết thúc bên trong Đại thánh đường Mộ Thánh, nơi xác Chúa được đặt trong mộ

Đường thương khó được đánh dấu bằng 14 chặng Thánh Giá, trong đó chặng 10 tới 14 nằm ngay trong lòng Đại Thánh Đường Mộ Thánh. Truyền thống Đàng Thánh Giá bắt nguồn từ dòng tu Phan-xi-cô (do thánh Francis thành Assisi thành lập), thế kỷ 13. Trong các nhà thờ Công giáo, Đàng Thánh Giá thường được bố trí dọc theo hai bên tường gian chính, thường là các phù điêu, tranh ảnh cỡ nhỏ, có đánh số thứ tự từ 1 đến 14.

Chặng Thứ Nhất: Quan tổng trấn Phi-lát luận giết Ðức Chúa Giê-su.

Chặng Thứ Hai: Ðức Chúa Giê-su vác thập tự.

Chặng Thứ Ba: Ðức Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ nhất.

Chặng Thứ Bốn: Ðức Chúa Giê-su gặp Ma-ri, mẹ Ngài.

Chặng Thứ Năm: Si-môn người Sy-ren bị buộc vác thập tự.

Chặng Thứ Sáu: Bà Veronica lau máu trên mặt Ðức Chúa Giê-su.

Chặng Thứ Bảy: Ðức Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ hai.

Chặng Thứ Tám: Ðức Chúa Giê-su nói với những người đàn bà thành Giê-ru-sa-lem.

Chặng Thứ Chín: Ðức Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ ba.

Chặng Thứ Mười: Quân lính lột áo Ðức Chúa Giê-su.

Chặng Thứ Mười Một: Quân lính đóng đinh Ðức Chúa Giê-su.

Chặng Thứ Mười Hai: Ðức Chúa Giê-su chết trên thập tự.

Chặng Thứ Mười Ba: Ðức Chúa Giê-su được đưa khỏi thập tự – than khóc.

Chặng Thứ Mười Bốn: Đưa xác Ðức Chúa Giê-su vào trong hang đá.

Chặng thứ 3, 4, 6, 7 và 9 không có trong Kinh thánh mà dựa vào truyền thống. Kinh thánh không nhắc đích danh đến Via Dolorosa. Tất cả những gì chúng ta biết từ Kinh thánh là Chúa Giê-su đã vác thập tự từ nơi xử án đến đồi Gô-gô-tha và bị đóng đinh tại đó. Chúng ta cũng không chắc chắn về địa điểm chính xác của hai nơi này, nhưng dù ở đâu đi nữa thì chặng đường giữa chúng thực sự là con đường thương khó. Ngài đã mang tội lỗi của chúng ta trên mình, và trả giá đầy đủ cho tội lỗi của thế gian.

Bài hát Via Dolorosa

Via Dolorosa cũng là tên của bài thánh ca nổi tiếng thường được các Cơ đốc nhân hát vào mùa Thương khó phục sinh. Tác giả của bài hát, Billy Spargue, viết bài hát này cách đây gần 27 năm. Trong một clip của mình, Billy chia sẻ rằng ông đã đến nhiều nơi trên thế giới nhưng không có nơi nào ông cảm nhận quyền năng như tại Giê-ru-sa-lem, khi được đến những nơi Chúa đã đi qua. Lý do ông viết bài hát này là vì ông coi sự thương khó của Chúa là điểm thật trọng tâm trong đức tin Cơ đốc. Qua bài hát này, ông muốn kể lại câu chuyện của Chúa cho người nghe. Bài hát đã đoạt giải thưởng âm nhạc Bồ câu (Bài hát của năm) do Hội Âm nhạc Phúc âm (Gospel Music Association) trao tặng vào năm 1986 và được lọt vào danh sách 100 bài hát Phúc âm hay nhất do tạp chí âm nhạc Cơ đốc đương đại CCM bình chọn. Via Dolorosa cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt.

Sandi Patty, ca sỹ dòng nhạc Phúc âm nổi tiếng, người đã 5 lần nhận giải thưởng Grammy, đã phát biểu như sau về cảm nhận của cô đối với bài hát này: “Tôi cho rằng một thách thức đối với nhạc sỹ là tìm cách mới để kể lại cùng một câu chuyện. Khi được biết đến bài hát Via Dolorosa, tôi thực sự bàng hoàng vì bài hát đã làm được điều đó. Nó kể lại câu chuyện xưa nhưng trong một cách hoàn toàn mới và rất nghệ thuật.”

Tác giả Billy Spargue hát Via Dolorosa tại con đường cùng tên, Giê-ru-sa-lem

Via Dolorosa qua sự trình bày của Sandi Patty

Via Dolorosa tiếng Việt qua sự trình bày của Hagim

Sự thương khó của Chúa

Trên đường Êm-ma-út, Chúa Giê-su phục sinh đã hiện ra với hai môn đồ đang thất vọng chán chường. Ngài nói: “Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói. Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao?” (Luca 24). Thiếu hiểu biết về sự thương khó của Chúa nhiều khi sẽ khiến những người theo Ngài rơi vào ảo tưởng. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nói: “Vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt, thì anh em cũng phải lấy ý đó làm giáp trụ, vì người nào đã chịu khổ trong xác thịt, thì đã dứt khỏi tội lỗi” (1 Phi-e-rơ 4:1). Không chỉ ước ao biết quyền phép của sự sống lại của Chúa, sứ đồ Phao-lô còn mong mỏi được “sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi trở nên giống như Ngài trong sự chết Ngài” (Phi-líp 3:10). Hiểu sự thương khó của Chúa khiến chúng ta biết ơn Ngài hơn, sống nên thánh hơn, sâu sắc hơn trong đức tin, đồng thời cũng tích cực truyền giảng cho người chưa tin và hết mình gây dựng Hội thánh, hay theo cách nói của Phao-lô là “đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Ngài” (Cô-lô-se 1:24). 




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.