Bi kịch khi người lãnh đạo đi vào thái cực độc đoán và lạm dụng quyền lực. Song Đức Chúa Trời cũng cho chúng ta một chìa khóa hiệu quả để khi theo nguyên tắc đó, hội chúng được bảo vệ và người lãnh đạo càng ngày càng tin tưởng hơn. Đó là trách nhiệm giải trình.
Kinh thánh cho chúng ta nhiều nguyên tắc lãnh đạo Hội thánh, nhưng không đưa ra mô tả chi tiết về việc Hội thánh cần phải được tổ chức như thế nào.
Các Hội thánh Cơ đốc đã giải quyết bài toán quản trị theo một số phương án khác nhau. Một số Hội thánh điều hành theo những nguyên tắc “giáo đoàn” (congregational), khi các câu hỏi quan trọng được giải quyết bằng cách cùng bỏ phiếu. Trong nhiều Hội thánh, giới lãnh đạo địa phương có quyền nói lời cuối cùng, tại những Hội thánh khác thì lại có những lãnh đạo khu vực, chẳng hạn giám mục, tổng giám mục và những chức danh khác, đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị tại địa phương.
Điều gì đúng, điều gì sai là một câu hỏi quá lớn cho bài viết này. Nhưng dù Hội thánh được tổ chức theo cách nào đi nữa thì cũng có một nguyên tắc luôn luôn đúng – đó là trách nhiệm giải trình.
Không ai được phép dẫn dắt người khác nếu như bản thân người đó không chịu trách nhiệm giải trình về công việc của mình – cả trong xã hội lẫn trong Hội thánh đều thế. Lãnh đạo của mỗi Hội thánh cần biết rằng người đó phải trả lời về hành vi của mình, không chỉ trước Chúa, mà còn trước người khác nữa. Biết rằng người khác có quyền tìm hiểu các quyết định của một người lãnh đạo thuộc linh sẽ gia thêm phần kính sợ cần thiết cho chức vụ hầu việc Chúa.
Sứ đồ Phi-e-rơ đã nói trong thư I Phi-e-rơ 5:5
“Cũng hãy khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường.”
Tấm lòng khiêm nhường, sẵn sàng đầu phục, sẽ tìm được ân điển của Chúa.
Một nguyên tắc then chốt giữa hội chúng Cơ đốc và những người lãnh đạo của hội là sự tin tưởng. Sự tin tưởng gia tăng khi mức độ trách nhiệm giải trình gia tăng. Khi hội chúng biết rằng còn có những người lãnh đạo khác, bên ngoài giới hạn của một Hội thánh địa phương, và những người lãnh đạo cấp trên ấy có quyền kiểm soát việc lạm dụng quyền lực thì sự tin tưởng của các tín đồ sẽ gia tăng.
Một nguyên tắc tốt cho mọi Hội thánh là không một mục sư, quản nhiệm hoặc người lãnh đạo thuộc linh nào được tự quyết hoặc cố gắng ảnh hưởng trên lương bổng hoặc bất kỳ phúc lợi nào khác cho bản thân. Đó phải là phần việc của người khác. Đồng thời không một người lãnh đạo Hội thánh nào được làm quyết định cách độc đoán, mà cần luôn ở trong hội đồng, cùng với những người lãnh đạo hoặc cộng sự khác. Hội thánh cũng cần biết những người lãnh đạo của mình đang trả lời trước ai, và họ có thể đến với ai trong trường hợp cần thiết, khi họ biết về những vi phạm đạo đức hoặc lạm dụng quyền lực.
Trách nhiệm giải trình không phải là ngục tù mà là một nguyên tắc mang lại sự tự tin (cho người lãnh đạo) và sự tin tưởng cho nhà của Chúa. Ở đâu có trật tự, ở đó sẽ có sự vui mừng và bình an.
Trích từ blog của MS Matsola – www.wolrus.org