Search
Friday 26 April 2024
  • :
  • :

Đến Mảnh Đất Mang Tên Bình An

Qua Thanh Xuân, Hà Đông của Hà Nội, cứ thế đi dọc theo quốc lộ 6 là tới tỉnh Hòa Bình – mảnh đất đã đi vào “Tây Tiến” với những nhớ thương ngây ngất của “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Tôi mới chỉ nghe nói đến “thủ phủ của người Mường” với bốn bề núi non trùng điệp, với nhà máy thủy điện nằm ngay trong thành phố, với thung lũng Mai Châu, với động Thác Bờ mà chưa một lần đặt chân đến. Nhân chuyến thăm hỏi truyền giáo của anh em Hội thánh Lời Sự Sống Thanh Xuân, tôi hăm hở lên đường. Song le, chuyến đi đã cho tôi thấy một Hòa Bình khác – Hòa Bình của những hạt giống mạnh mẽ và đầy khao khát cho công việc Chúa.

Đi hơn 70 cây số, chúng tôi tới huyện Kỳ Sơn – nơi có điểm nhóm cùng tên của Hội thánh Lời Sự Sống – thăm hỏi khích lệ từng gia đình con cái Chúa. Đây là điểm nhóm bắt nguồn từ Lời Sự Sống tại Thanh Xuân, Hà Nội và được gây dựng bởi những chuyến truyền giáo đều đặn vài năm trước. Hội thánh nhóm lại hằng tuần tại gia đình hai bác Hòe Tân và có thời điểm nhóm lại được 20 người.

Đoàn truyền giáo Thanh Xuân cùng các nhân sự tại Hôi thánh Kỳ Sơn

Đoàn truyền giáo Thanh Xuân cùng các nhân sự tại Hôi thánh Kỳ Sơn

Theo lời một anh em trong đoàn, nói là tới khích lệ nhưng lần nào họ cũng “bị” các cô bác khích lệ lại. Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi nhà bác Lịch – người bác đã ngoài năm mươi tuổi và có chồng chưa tin Chúa. Căn nhà khang trang và có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết, khác hẳn lần thăm viếng trước. “Cha chúng ta giàu có, ban cho mình dư dật không chỗ chứa. Amen?”, bác Lịch bảo tôi. Tôi thấy lòng mình vui lạ, đúng là được khích lệ bởi bác rất nhiều. Trong suốt thời gian gặp gỡ và nói chuyện cùng mọi người, bác Lịch đọc thuộc lòng Kinh Thánh, làm chứng không ngớt về ơn phước Chúa làm trên mình và những người khác, đôi khi bác còn cất tiếng hát thánh ca nữa. Sách Ma-thi-ơ nói: “Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra”, có lẽ bác luôn giữ được lòng vui mừng luôn luôn trước mọi hoàn cảnh xảy ra. Dù tuổi cao nhưng bác vẫn tập đi xe máy, nói là để đi truyền giáo, dẫn luôn Thi Thiên 139: 5 : “Chúa bao phủ tôi phía sau và phía trước, Đặt tay Chúa trên mình tôi…” để không sợ khi đi đường xa.

Những câu chuyện vui vẻ bên bàn uống nước cùng hai vợ chồng bác Lịch

Những câu chuyện vui vẻ bên bàn uống nước cùng hai vợ chồng bác Lịch

Bác Lịch cũng rất được ơn trước mặt gia đình mình. Chồng bác cũng phải thừa nhận: “Từ khi bà ấy theo đạo là khỏe mạnh hẳn, trước đây cứ động đến việc là ốm”.

Rời nhà bác Lịch, chúng tôi đến nhà hai người khác trong Hội thánh và đều nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt tại đây.

2014-06-27 Hoa binh (2)

Một anh em trong đoàn chỉ vết đinh đóng bàn thờ trên tường nhà bác Dìn mấy năm về trước. Giờ đây, trong nhà bác chỉ toàn lời Chúa mà thôi.

Một anh em trong đoàn chỉ vết đinh đóng bàn thờ trên tường nhà bác Dìn mấy năm về trước. Giờ đây, trong nhà bác chỉ toàn lời Chúa mà thôi.

Đến nhà bà Hiệu ở gần đó, tôi mới hiểu rõ hơn về sự ra đời của Hội thánh tại đây. Qua câu chuyện của các anh chị em, tôi được biết căn nhà này là nơi sản sinh ra điểm nhóm tại Hòa Bình mà bà Hiệu là người đầu tiên. “Trước đây đi học lớp Kinh Thánh năm hai cả tuần liền, bà ấy cứ để nhà cửa, ruộng vườn như vậy mà đi, miệng bảo: “Con gửi Chúa đấy, Chúa trông nhà cho con”, bác Lịch kể chuyện. Bà Hiệu đã về với Chúa, nhưng qua bà mà rất nhiều người đã được cứu và bước đi vững vàng hơn trong Ngài.

Nhà bà Hiệu rất rộng và không có vách ngăn. Bà xây căn phòng này với ý định làm nơi thờ phượng Chúa.

Nhà bà Hiệu rất rộng và không có vách ngăn. Bà xây căn phòng này với ý định làm nơi thờ phượng Chúa.

"Chúng con cầu nguyện xin Ngài đến và ban phước tại đây, vì nơi này ghi nhớ danh Ngài”

“Chúng con cầu nguyện xin Ngài đến và ban phước tại đây, vì nơi này ghi nhớ danh Ngài”

Cuối cùng thì cũng đến được nơi Hội thánh nhóm lại: Nhà của gia đình hai bác Hòe Tân. Tôi đã từng gặp hai bác đến nhóm tại Hội thánh Thanh Xuân cách đây không lâu. Sau bữa cơm trưa thân mật (phải nói là cá sông Đà rất ngon), mọi người cùng ngồi lại và chia sẻ về công việc Chúa. Bác Hòe trăn trở rằng có nhiều người đến Hội thánh, nhưng chỉ sau một mùa họ lại đi mất. Con số 20 người nhóm lại đã giảm xuống, mọi người cũng tự nhận xét rằng nhóm trầm đi rất nhiều so với trước đây.

Tuy vậy, nhiều khó khăn mang đến hứa hẹn thay đổi. Hai vợ chồng bác giờ đây bắt đầu phân công trách nhiệm cho từng nhân sự về các mảng thiếu niên, thiếu nhi cũng như nhóm phụ nữ. Hội thánh hứa nguyện trung tín cầu nguyện vào mỗi thứ tư hàng tuần và xuống Hà Nội thờ phượng cùng anh chị em Thanh Xuân hàng tháng. Bù lại, hai bác cũng mong anh chị em Hà Nội cùng lên cầu nguyện và chia sẻ lời Chúa với Hội thánh một buổi mỗi tháng. Tôi thiết nghĩ đây chính là sự thông công thật – anh chị em cùng động viên, chia sẻ khó khăn, khích lệ và giúp đỡ lẫn nhau trong tình yêu của Chúa, không quản ngại đường xa.

Cười thật tươi bên mâm cơm gia đình

Cười thật tươi bên mâm cơm gia đình

Dọc tường vào nhà bác Hòe có các câu Kinh Thánh do bác tự tay viết

Dọc tường vào nhà bác Hòe có các câu Kinh Thánh do bác tự tay viết

Ngoài ra, đoàn truyền giáo còn đi thăm một Hội thánh tại thành phố Hòa bình do một tôi tớ Chúa tên là Oánh quản nhiệm. Trước đây, Hội thánh này có cả những con cái Chúa người Mường nhưng vì đường xa và chi phí đi lại đắt đỏ nên họ không thể ra cùng thờ phượng Chúa được.

Khi được hỏi có nhu cầu gì cần cầu nguyện không, chú Oánh nói: “Bây giờ tôi không mong gì hơn là Hội thánh ở đây được tăng trưởng”

Khi được hỏi có nhu cầu gì cần cầu nguyện không, chú Oánh nói: “Bây giờ tôi không mong gì hơn là Hội thánh ở đây được tăng trưởng”

Chúng tôi rời Hòa Bình khi ánh nắng chiều vừa tắt, không khí cũng trở nên mát mẻ và dễ chịu vô cùng. Chuyến đi có vẻn vẹn một ngày, nhưng tôi biết, sự khích lệ đã đến trong lòng cả người ra về và người ở lại.

-Nguyễn Hằng-




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.